Cơ chế bảo hiến quốc tế: Những bài học với Việt Nam

Các đại biểu đã chia sẻ nội dung về cơ chế bảo hiến, qua đó rút ra những bài học đối với Việt Nam trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ngày 6/5, tại Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS của Đức tổ chức Hội thảo Khoa học “Cơ chế bảo hiến - kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam.”

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đánh giá Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất. Cũng như các văn bản pháp luật khác, Hiến pháp cần được bảo vệ trước những nguy cơ có thể bị vi phạm. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng việc bảo vệ Hiến pháp cần được nghiên cứu để tìm ra cơ chế bảo vệ đặc biệt.

Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các cơ quan hữu quan của Việt Nam nghe các đại biểu đến từ Trường Đại học Tổng hợp Bonn (Đức) và Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Thái Lan chia sẻ những nội dung quan trọng liên quan đến cơ chế bảo hiến, qua đó rút ra những bài học đối với Việt Nam trong quá trình tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật và bảo đảm để tất cả các chủ thể trong xã hội tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến pháp luôn là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Ở Việt Nam, vấn đề tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp cũng đã được đề cập đến trong quá trình xây dựng và thực thi các bản Hiến pháp. Cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp càng trở nên cấp thiết.

Đại diện của Trường Đại học Tổng hợp Bonn (Đức) cho biết thành phần của tòa án Hiến pháp của Đức gồm có 2 viện, mỗi viện có 8 thẩm phán. Mỗi một thẩm phán sẽ được bổ nhiệm trong 12 năm và không được bổ nhiệm lại. Quy định này nhằm bảo đảm các thẩm phán có đủ thời gian để thu thập, tích lũy chuyên môn, đồng thời việc không được bổ nhiệm lại để bảo đảm các thẩm phán sẽ đưa ra các phán quyết hoàn toàn độc lập, vô tư, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì.

Giáo sư, tiến sĩ Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật- Hà Nội) đã nêu ra 4 sự lựa chọn gồm: Tòa án tư pháp, tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp, Quốc hội như hiện nay, đồng thời phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn của các mô hình.

Tại ba phiên làm việc, các đại biểu đã nghe và thảo luận về cơ chế bảo hiến và kinh nghiệm quốc tế; cơ chế bảo hiến trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp; xây dựng cơ chế phán quyết Hiến pháp ở Việt Nam. Đây là những kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong quá trình tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục