Hoằng Trường giữ gìn bảo vệ ngư trường truyền thống

Trong bối cảnh tình hình khó khăn, giá cả leo thang, ngư dân Hoằng Trường vẫn tích cực bám biển để khai thác và đánh bắt thủy sản.
Là địa phương có lượng phương tiện và lao động hoạt động kinh tế biển hùng hậu nhất tỉnh Thanh Hóa, Hoằng Trường (Hoằng Hóa) có 741 phương tiện khai thác biển.

Trong đó có 105 tàu công suất từ 165CV đến 450CV chuyên đánh bắt xa bờ cùng 1.300 lao động thường xuyên hoạt động khai thác và đánh bắt trên biển.

Đội tàu lớn này thường tham gia khai thác khắp ngư trường Vịnh Bắc Bộ và một số ngư trường miền Trung.

Trong bối cảnh tình hình khó khăn, giá cả leo thang, giá xăng dầu tăng cao thì việc ngư dân vẫn tích cực bám biển để khai thác và đánh bắt thủy sản là những tín hiệu lạc quan của ngành thủy sản xứ Thanh trong giai đoạn này.

Giữ gìn và bảo vệ ngư trường truyền thống

Ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Trường chia sẻ: “Với nghề lưới rê, ngư dân Hoằng Trường phải vươn khơi, đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, năm 2011 thực sự là năm khó khăn đối với ngư dân Hoằng Trường, khi ngư trường bị cạnh tranh gay gắt, cộng vào đó là những áp lực về chi phí cho mỗi chuyến ra khơi không ngừng tăng lên khiến cho nhiều chủ tàu lo lắng...”

Trước tình hình đó, để tiếp tục phát triển kinh tế biển, Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Trường đã vận động ngư dân tập trung đầu tư cải tiến phương tiện, ngư lưới cụ, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ đánh bắt và nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ.

Hiện nay, tại xã biển này, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển không ngừng với 21 xưởng sản xuất đá lạnh, 8 cây xăng dầu, 3 khu cung cấp nước ngọt, 4 đại lý lưới rê, 2 xưởng sửa chữa, đóng mới tàu cá…

Về Hoằng Trường những ngày giữa tháng 7, trời nắng như đổ lửa nhưng trên bến, tàu vẫn tấp nập, hoạt động thu mua hải sản vẫn nhộn nhịp như chưa hề có những khó khăn xảy ra. Sau khoảng 10 ngày bám biển tìm nguồn cá, hơn 100 tàu lớn của Hoằng Trường lại dồn dập cập bến. Mỗi tàu đem về đất liền từ 3-5 tấn cá, mỗi tấn cá có giá trị từ 27-35 triệu đồng.

Trên bến cá Hoằng Trường, từng khay cá lưỡng hồng được ướp đá kỹ lưỡng lần lượt được vận chuyển lên bờ, xếp hàng dọc tuyến đường trung tâm xã dài từ 2-3km để đợi những chuyến container đến bốc hàng.

Vừa trở về sau chuyến ra khơi, anh Lê Văn Hạnh thôn Lạch Trường (xã Hoằng Trường) chia sẻ từ đầu năm đến giờ, giá cả tất cả các loại mặt hàng đều tăng cao, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tăng thêm từ 10 đến 15 triệu đồng so với năm ngoái, lại thêm tình hình thời tiết, an ninh trên biển phức tạp khiến mỗi chuyến ra khơi thực sự là một bài toán khó cho những chủ tàu như anh.

Tuy vậy, không thể để tàu nằm bến, ngư dân Hoằng Trường vẫn vươn khơi, bám biển, vừa để mưu sinh, vừa giữ gìn và bảo vệ ngư trường truyền thống. Gia đình anh Hạnh đã gắn bó với nghề đi biển hơn 10 năm có lẻ.

Đi lên từ bè, mảng đánh bắt gần bờ, đến nay, gia đình anh Hạnh đã có cả một cơ ngơi với tàu lớn, xưởng sản xuất đá lạnh, một cơ sở may vá lưới và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 chục lao động.

Đoàn kết là sức mạnh

Khác với những địa phương khác, mỗi chuyến ra khơi của ngư dân Hoằng Trường như là một lần “biểu dương lực lượng.” Đánh cá theo con nước, mỗi tháng, ngư dân Hoằng Trường có 2 lần ra biển và đồng loạt cả 105 tàu cá đều cùng khởi hành.

Hiện cùng nhau ra khơi trong điều kiện khó khăn như hiện nay không giúp giảm bớt chi phí so với cách làm của một số địa phương khác trong tỉnh như cho 1 vài thuyền ra thăm dò luồng cá, nếu phát hiện có cá mới gọi các thuyền khác cùng ra…

Nhưng để lý giải điều tưởng chừng vô lý này, ông Lê Phạm Thảo cho biết: “Từ năm 2006, Hoằng Trường đã thành lập tổ đội. Thay vì đơn lẻ ra khơi, giờ đây ngư dân trong xã đồng loạt ra khơi và chia thành cụm, mỗi cụm 10-12 tàu, cùng đi và cùng về. Trong quá trình đánh bắt, các thuyền trong tổ đội thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm, cùng hỗ trợ nhau trong khai thác, ví như hỗ trợ ngư lưới cụ cho nhau, thông báo vùng có hoặc không có cá cho nhau biết hoặc chủ động ứng phó và giúp đỡ nhau trong các tình huống bất ngờ hoặc bị tàu lạ uy hiếp, xua đuổi… đến khi các thuyền đã đánh bắt được nhiều tôm cá thì tập trung lại cùng về. Thuyền tốt, máy tốt sẽ hộ tống những thuyền nhỏ hơn vào bờ nên cả chục năm nay ở Hoằng Trường không xảy ra các tai nạn đáng tiếc trên biển.”

Đoàn kết đã trở thành sức mạnh và ưu thế của ngư dân Hoằng Trường trên bất cứ vùng biển nào của Tổ quốc. Với truyền thống này, 10 năm nay sản lượng khai thác thủy hải sản của Hoằng Trường luôn duy trì và đạt hiệu quả cao.

Hoằng Trường cũng là địa phương đầu tiên ở Thanh Hóa có trung đội dân quân biển với 36 thành viên có nhiệm vụ vừa bám biển vừa giữ biển, đồng thời phối hợp với bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển phát hiện, thông báo, báo cáo, ngăn chặn các đối tượng có hành vi cướp phá tàu, thuyền, ngư lưới cụ, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, phá hoại môi trường, gây mất trật tự an ninh trên biển; tham gia các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo; phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn... luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu.

Được biết, tại Hoằng Trường và nhiều xã biển khác ở Thanh Hóa, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền và động viên ngư dân bám biển, thực hiện đúng các quy định pháp luật khi hoạt động trên biển.

Với những ngư dân Hoằng Trường nói riêng, ngư dân Thanh Hóa nói chung, cả đời bám biển với hy vọng biển không phụ công người, biển sẽ bù đắp cho những ngày dài lênh đênh trên biển bằng những chuyến trở về lưới nặng cá, tôm.

Mong ước lớn nhất của họ là Nhà nước và chính quyền địa phương tới đây sẽ có những hành động cụ thể, để mỗi chuyến ra khơi sẽ luôn là những chuyến đi an toàn cho cả những người trên biển và người thân của họ ở đất liền./.

Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục