500MW điện mỗi năm từ trấu thừa ở ĐBSCL

Với 4 triệu tấn trấu thừa hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long có thể cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 500 MW.
Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, với sản lượng lúa hơn 20 triệu tấn như hiện nay, nếu lấy tỷ lệ trung bình là 100kg lúa cho 20kg trấu, mỗi năm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 4 triệu tấn trấu.

Với lượng trấu dư thừa trên, hàng năm Đồng bằng sông Cửu Long có thể cung ứng cho các nhà máy sản xuất nhiệt điện với tổng công công suất 500 MW.

Kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long tại 108 nhà máy xay xát lúa tại 14 quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, cho thấy có khoảng 50% trấu tại các nhà máy xay xát được bán cho các mục đích sử dụng làm chất đốt dân dụng và làm phân bón.

Giá bán trấu dao động 40-170 đồng/kg, tùy theo từng địa phương và từng thời điểm trong năm, nhưng các nhà máy này vẫn còn một lượng trấu dư thừa rất lớn, với trên 232.000 tấn/năm.

Lượng trấu dư thừa chủ yếu tập trung vào các tháng cao điểm của mùa thu hoạch lúa (từ tháng 2 đến tháng 7) tại nhà máy xay xát lúa có quy mô lớn và vừa.

Thường lượng trấu dư thừa được đốt hoặc bỏ xuống sông, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, nếu tận dụng được nguồn trấu dư thừa, có thể đáp ứng tốt nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất nhiệt điện và hạn chế gây ra ô nhiễm môi trường.

Theo Công ty điện lực J-Power (Nhật), muốn cho nhà máy nhiệt điện có công suất 10MW hoạt động, cần tiêu thụ một lượng trấu khoảng 80.000 tấn/năm. Công ty điện lực J-Power chính là một trong các doanh nghiệp đang có ý định sử dụng nguồn nguyên liệu trấu dư thừa tại Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất nhiệt điện.

Thời gian qua, Công ty này đã hợp tác với Công ty cổ phần Nhiệt điện Đình Hải tiến hành nghiên cứu và xúc tiến kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng trấu tại Khu công nghiệp Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, với công suất 10 MW.

Theo J-Power, nếu dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đầu tiên tại Thốt Nốt thành công, công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây thêm 10-15 nhà máy nữa tại các tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho hay, Sở Công thương tỉnh đang xúc tiến các hoạt động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, chọn địa điểm phù hợp xây dựng nhà máy điện trấu công suất 11 MW trong tương lai gần./.

Tấn Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục