Quân đội VN tham gia khắc phục chất độc hóa học

Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp khắc phục và hợp tác quốc tế tham gia khắc phục chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.
Sáng 25/3, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại và Cục Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Quốc phòng tổ chức giới thiệu cho Đoàn Tùy viên Quân sự các nước tại Việt Nam về “Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp khắc phục và hợp tác quốc tế tham gia khắc phục chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.”

Trong những năm qua, Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ xử lý, tẩy độc chất da cam/dioxin tồn lưu tại các điểm nóng; tích cực phối hợp với các cơ quan ngoài quân đội, với Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế triển khai công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Bộ Quốc phòng đã đầu tư, hoàn thành cơ bản việc điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại ba sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Trên cơ sở đó đã xây dựng và triển khai một số công trình ngăn chặn có hiệu quả sự lan tỏa, giảm thiểu tác hại của ô nhiễm tới môi trường, sinh thái và con người.

Đặc biệt là công trình xử lý thành công khoảng gần 100.000m2 đất ô nhiễm nặng chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa của Binh chủng Hóa học bằng phương pháp chôn lấp tích cực.

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, song các kết quả đạt được trong lĩnh vực xử lý, tẩy độc chất độc da cam/dioxin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ tẩy độc, phục hồi môi trường để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, việc tăng cường tiềm lực, mở rộng hợp tác, chia sẻ thông tin, nỗ lực cùng mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có ý nghĩa quan trọng trong mọi hoạt động ở các cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng.

Tùy viên Quốc phòng Cộng hòa Nam Phi, Quyền Trưởng đoàn Tùy viên Quân sự các nước tại Việt Nam bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cung cấp những thông tin về chất độc hóa học còn tồn lưu tại Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả da cam/dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng./.

Nguyễn Anh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục