Trung Quốc lắp ghép Thần Châu-8 với Thiên Cung-1

Sau lần lắp ghép đầu tiên vào 3/11, Trung Quốc lần thứ 2 thành công trong việc lắp ghép tàu vũ trụ Thần Châu-8 với modul Thiên Cung-1.
Ngày 14/11, Trung Quốc lần thứ hai đã thành công trong việc lắp ghép tàu vũ trụ không người lái Thần Châu-8 với modul Thiên Cung-1.

Trước khi lắp ghép khoảng 30 phút, tàu Thần Châu-8 đã tách khỏi modul Thiên Cung-1.

Trước đó, vào ngày 3/11, tàu này đã lần đầu tiên ghép nối thành công với modul thí nghiệm Thiên Cung-1 trên khoảng không, cách bề mặt Trái Đất 343km.

Hãng tin Tân Hoa dẫn lời một quan chức làm việc tại chương trình vũ trụ của Trung Quốc cho biết, cơ chế lắp ghép giữa hai tàu vũ trụ này sử dụng trên 10.000 linh kiện, trong đó hơn 600 thiết bị trên tàu Thần Châu-8 do các nhà khoa học Trung Quốc sản xuất.

Việc tàu Thần Châu-8 lắp ghép thành công với modul cũng đưa Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, làm chủ được kỹ thuật này, đồng thời giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.

Theo giới chức Bắc Kinh, nước này có kế hoạch tiến hành hai cuộc lắp ghép trong vũ trụ vào năm 2012.

Dự kiến, Trung Quốc sẽ thành lập trạm nghiên cứu trên không gian vào năm 2016 và xây dựng một trạm không gian vũ trụ có người điều khiển vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục