TP.HCM tăng cường bình ổn giá, bảo đảm an sinh

Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ thực hiện chương trình bình ổn; thực hiện các chính sách an sinh xã hội về y tế-giáo dục-môi trường.
Sau hai ngày làm việc 13 và 14/7, kỳ họp lần thứ hai Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII đã bế mạc, thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm với mục tiêu phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu của cả năm 2011.

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã đóng góp ý kiến và kiến nghị cụ thể về nhiều vấn đề đang rất được cử tri thành phố quan tâm là chương trình hàng bình ổn, lĩnh vực y tế, môi trường và đời sống của người lao động.

Chất vấn Sở Công Thương về chương trình bình ổn, đại biểu Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng chương trình này là cần thiết nhưng cần đánh giá lại một cách khoa học bởi đây không thể là một biện pháp lâu dài như kiểu “bao cấp thị trường.”

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết chương trình bình ổn luôn gắn liền với chương trình chăn nuôi trên địa bàn thành phố, được triển khai để hỗ trợ người dân thành phố gặp khó khăn trong tình hình biến động giá vừa qua.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân, thành phố chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày của người dân thành phố nên phải cần sự hỗ trợ của các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước. Cùng với các doanh nghiệp còn có hàng chục ngàn hộ chăn nuôi, sản xuất lương thực của thành phố và các tỉnh tham gia chương trình bình ổn, góp phần bình ổn thị trường và ổn định đời sống xã hội.

Tại kỳ họp, hàng loạt ý kiến và bức xúc của cử tri được nêu lên xung quanh các vấn đề của lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng như tình trạng quá tải bệnh viện, dịch bệnh gia tăng, chưa quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe công nhân còn hạn chế.

Thừa nhận những tồn tại, hạn chế của ngành y tế, Giám đốc Sở Y tế Phạm Việt Thanh cho biết đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành y tế là vấn đề rất lớn, cơ sở hạ tầng hiện có chưa đáp ứng yêu cầu của ngành; giải tỏa áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu ngày càng “bất khả thi” khi các dự án xây mới các bệnh viện cửa ngõ đều bị vướng vì đền bù giải phóng mặt bằng.

Nhấn mạnh việc quá tải bệnh viện đã là thực trạng lâu nay và là vấn đề cấp thiết phải giải quyết, các đại biểu đề nghị thành phố ưu tiên trước hết cho các dự án đầu tư trọng điểm về y tế; đồng thời ngành y tế cần có phương án liên kết các cơ sở khám chữa bệnh để giảm tải và phát huy hết công suất bởi có tình trạng nơi quá tải, nơi trống vắng; tăng cường cho bệnh viện tuyến cơ sở, cũng như liên kết, hỗ trợ các địa phương khác để giảm tải.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân khẳng định sẽ khắc phục những thiếu sót, tồn tại được các đại biểu nêu như việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, công nhân; tổ chức thực hiện chương trình bình ổn; thực hiện các chính sách an sinh xã hội về y tế-giáo dục-môi trường…

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, gian lận thương mại, đầu cơ, buôn lậu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, thành phố cũng sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; xử lý kiên quyết nạn đua xe trái phép, chống đối người thi hành công vụ, tình trạng đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép.../.

Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục