Tổng kiểm tra các cửa hàng vàng bạc, ngoại tệ

Hai Bộ Công an  và Công Thương đã mở đợt cao điểm kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt là cửa hàng vàng bạc.
Từ thời điểm này, Bộ Công an sẽ phối hợp Bộ Công Thương tập trung lực lượng mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ sai quy định.

Bộ cũng kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán ngoại tệ, đặc biệt các cửa hàng kinh doanh vàng bạc nhằm phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân chủ mưu, làm lũng đoạn thị trường.

Mạnh tay với “chợ đen”

Chiều 16/12, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quang Huy cho biết: “Từ cách đây vài tuần, Ngân hàng Nhà nước đã cùng với các bộ, ngành tiến hành tổng kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán ngoại tệ, đặc biệt các cửa hàng kinh doanh vàng bạc”.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, diễn biến phức tạp, bất ổn của thị trường ngoại tệ và vàng trong thời gian qua có nguyên nhân do một số tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom ngoại tệ, thực hiện kinh doanh mua, bán ngoại tệ trái phép, làm lũng đoạn thị trường, đồng thời tung các tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho người dân, làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ.

Trước tình hình đó, ngày 15/12, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành đã tổ chức cuộc họp để thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ trong dịp cuối năm, trên phạm vi cả nước, trong đó nhấn mạnh hơn ở hai thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Bộ Công an sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán ngoại tệ, đặc biệt các cửa hàng kinh doanh vàng bạc; chỉ đạo Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát thực hiện điều tra nhằm phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân chủ mưu, lũng đoạn thị trường.

Cục Quản lý thị trường sẽ tập trung lực lượng mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép và niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ sai quy định của các tổ chức, cá nhân trong cả nước.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện đợt kiểm tra liên ngành dựa trên đề xuất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động đổi ngoại tệ của các đại lý đổi ngoại tệ; báo cáo và đề xuất kế hoạch thanh, kiểm tra liên ngành để Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt làm cơ sở phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đề xuất tại cuộc họp: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức họp giao ban mỗi tháng một lần với các bộ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố để kịp thời phát hiện những vướng mắc và kiến nghị, đưa ra biện pháp thích hợp trong quá trình triển khai. Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát các chủ trương, chính sách để làm cơ sở triển khai trong năm 2010”.

Ông Bình cho biết thêm năm 2010, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền sâu, rộng để các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa chủ trương, qua đó hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế.

Bất ổn chủ yếu do tin đồn

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quang Huy, trong những ngày qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp đồng bộ, thị trường ngoại hối đã cải thiện đáng kể, thanh khoản trên thị trường đã tăng lên, nhiều doanh nghiệp đã bán ngoại tệ cho các ngân hàng.

Tỷ giá mua bán ngoại tệ giữa các ngân hàng thương mại, giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp đều nằm trong biên độ quy định.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng vào thời điểm cuối năm, hoạt động mua, bán ngoại tệ trái pháp luật càng diễn ra tinh vi, phức tạp, làm ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách ngoại hối.

Việc mua, bán ngoại tệ trên thị trường tự do không chỉ công khai như trước mà còn có các hình thức giao dịch ngầm. Do vậy, việc bắt quả tang hành vi mua bán ngoại tệ trái phép để xử lý gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, sự tồn tại của thị trường ngoại tệ tự do song song với thị trường chính thức với sức lan truyền của các tin đồn thất thiệt đã tạo tâm lý lo ngại cho người dân. Tại nhiều thời điểm, tỷ giá trên thị trường tự do có độ vênh lớn so với thị trường chính thức đã tạo điều kiện cho hoạt động găm giữ, đầu cơ, lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối.

Qua kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước phát hiện các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung ở các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc, không thuộc đối tượng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ và diễn biến phức tạp ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hiện tượng một số tổ chức, cá nhân cũng như một số phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo điện tử…) thực hiện quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ sai quy định vẫn tiếp diễn.

Một số trường hợp còn đăng tải, công bố thông tin về tỷ giá mua, bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen. Do vậy, với việc Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp trên, thị trường ngoại hối được kỳ vọng sẽ sớm đi vào ổn định./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục