Thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học ở các đại dương

LHQ kêu gọi cộng đồng tăng cường quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học các đại dương trong bối cảnh nhiều loài hải sản đã tuyệt chủng.
Ngày 31/5, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bắt đầu thảo luận cấp chuyên gia về các vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trên các khu vực đại dương ngoài quyền tài phán của các quốc gia.

Các chuyên gia nhấn mạnh, thế giới đã đạt được những tiến bộ trong việc bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên của các đại dương. Tuy nhiên, dù các nước thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường thực thi các khuôn khổ chính sách và pháp lý hiện hành nhưng vẫn còn nhiều quan điểm rất khác nhau về thực hiện các thoả thuận theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển.

Bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học ở các đại dương và đáy biển quốc tế hiện vẫn là vấn đề rất phức tạp vì những khu vực này vẫn được coi là “khu vực chung toàn cầu” nên mọi nước đều có thể khai thác tự do.

Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng thế giới phát triển và thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học của các đại dương trong bối cảnh nhiều loài hải sản đã bị tuyệt chủng hàng loạt, hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác cạn kiệt, nạn ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia Liên hợp quốc sẽ giám định các khía cạnh khoa học, kỹ thuật, kinh tế, luật pháp, môi trường, kinh tế xã hội và nhiều khía cạnh khác của vấn đề này, đặc biệt tập trung vào các nguồn gen hải sản, khu vực được bảo vệ trên các đại dương và đánh giá tác động đến môi trường... nhằm đề xuất các biện pháp và đường lối thích hợp để thúc đẩy hợp tác quốc tế về các vấn đề này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lưu ý rằng, các nỗ lực của nhân loại nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương ít nhất phải tương ứng với quy mô và tầm cỡ của những thách thức mà các đại dương đang phải đối mặt.

Trước đây, tác động nghiêm trọng nhất của các hoạt động của con người đối với các đại dương chủ yếu là rác thải. Ngày nay, tác động lớn nhất là khai thác cạn kiệt các nguồn hải sản và các hoạt động thăm dò, khai thác dầu lửa và khoáng sản.

Ô nhiễm và lượng hóa chất độc hại tăng lên không chỉ tạo ra các vùng chết ven biển mà còn lan ra các đại dương, tạo ra vùng chết rộng tới 245.000km2. Biến đổi khí hậu cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái ở đại dương trong tương lai.

Ông Ban nhấn mạnh trong bối cảnh này, việc triệu tập Hội nghị toàn cầu Rio+20 về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại Brazil là cần thiết để Đại hội đồng Liên hợp quốc cung cấp các hướng dẫn chính sách cần thiết, vì lợi ích của các thế hệ hiện nay và mai sau.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, 80% đa dạng sinh học trên Trái đất sống ở các đại dương, 25% dân số thế giới sống phụ thuộc vào các nguồn hải sản như là nguồn thực phẩm cung cấp protein hàng đầu.

Trong khi dân số thế giới sẽ tăng tới 7 tỷ người vào cuối năm 2011 và 9 tỷ người trước năm 2050, số người phụ thuộc vào hệ sinh thái đại dương cũng sẽ tăng lên nhanh chóng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục