Hàn Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu với 8 tỉnh của Nhật

Hàn Quốc mở rộng lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm từ tỉnh Fukushima, địa phương xảy ra sự cố phóng xạ và bảy tỉnh lân cận tỉnh.
Hàn Quốc ngày 6/9 cho biết nước này đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu bao gồm toàn bộ các sản phẩm từ tỉnh Fukushima, địa phương xảy ra sự cố phóng xạ, và bảy tỉnh lân cận tỉnh.

Quyết định trên được đưa ra ngày 6/9 sau một cuộc họp giữa các cơ quan chính phủ do Thủ tướng Chung Hong Won và đảng Saenuri cầm quyền chủ trì.

Hàn Quốc đã áp đặt lệnh cấm đối với 50 sản phẩm ngư nghiệp, bao gồm cả cá nước ngọt từ tỉnh Fukushima, Aomori, Ibaraki, Gunma, Miyagi, Iwate, Tochigi và Chiba.

Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 9/9. Đáng chú ý là trong số này có hai tỉnh không hề có biển là Gunma và Tochigi.

Phòng nông nghiệp tỉnh Gunma cùng ngày cho biết tỉnh không có mặt hàng thuỷ sản nào xuất sang Hàn Quốc nên không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Tuy nhiên, giới chức hữu quan của tỉnh “không có biển” này bày tỏ lo ngại về lệnh cấm.

Phản ứng trước việc Hàn Quốc đưa Gunma vào danh sách cấm, quan chức thuộc phòng nông nghiệp cho biết: “Tại sao lại cấm như vậy? Chúng tôi hoàn toàn không hiểu.” Quan chức Hiệp hội ngư nghiệp tỉnh Gunma cũng bày tỏ thắc mắc “vì sao lại đưa hai tỉnh không trông ra biển là Gunam và Tochigi vào danh sách?”

Tuy nhiên, tỉnh này cũng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến của lệnh cấm này và sẽ có biện pháp đối phó nếu xuất hiện tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến kinh tế.

Mặc dù việc phân phối các sản phẩm ngư nghiệp bị nhiễm chất phóng xạ sau sự cố hạt nhân Fukushima hồi năm 2011 chưa được khẳng định tại Hàn Quốc, song lo ngại về các vụ rò rỉ nước nhiễm xạ tại Nhà máy điện Fukushima số 1 đang gia tăng ở nước này.

Những quan ngại của người dân Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở thuỷ sản Nhật Bản mà cả cá và động vật có vỏ đánh bắt được dọc bờ biển Hàn Quốc.

Từ tâm lý bất an, người tiêu dùng Hàn Quốc có thể đã quay sang chỉ trích chính quyền của Tổng thống Park Geun Hye và động thái mới nhất này là một nỗ lực của Seoul nhằm tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề.

Công ty điện lực Tokyo, đơn vị điều hành Nhà máy ở vị trí cách Tokyo 220km về phía Đông Bắc, mới đây đã thừa nhận rằng 300 tấn nước nhiễm xạ cao đã rò rỉ từ các bồn chứa và một phần trong số này đã chảy ra Thái Bình Dương.

Bộ Hải dương và Ngư nghiệp cũng quyết định ngay cả trong trường hợp phát hiện liều phóng xạ dù nhỏ như chất cesi trong bất cứ các sản phẩm ngư nghiệp và động vật nào từ các khu vực khác ở Nhật Bản, nếu muốn xuất khỏi Nhật Bản thì phải nhận được giấy chứng nhận kiểm tra phóng xạ.

Hãng tin Yonhaps dẫn lời Bộ này cũng cho biết: “Điều này sẽ giúp ngăn chặn bất kỳ sản phẩm nhiễm xạ nào ngay cả một liều phóng xạ nhỏ nhất.”

Hiện, nếu một sản phẩm nhiễm xạ bị phát hiện, nếu giá trị đó nằm dưới ngưỡng thì không cần giấy chứng nhận phóng xạ. Chính phủ nước này cũng quyết định hạ tháp liều phóng xạ cho phép đối với thuỷ sản xuống còn 100 becquerel so với mức 370 bql/kg hiện nay.

Năm 2012, Hàn Quốc nhập 5.000 tấn thủy sản từ tám tỉnh bị ảnh hưởng trên tổng số 40.000 tấn sản phẩm nhập từ Nhật Bản. Hiện nay, đảng Saenuri đang yêu cầu chính phủ Hàn Quốc cân nhắc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với thuỷ sản từ Nhật Bản.

Tại cuộc họp hôm 6/9, ban lãnh đạo đảng này yêu cầu Nhật Bản cần cung cấp “thông tin kịp thời và chính xác” về tình trạng rò rỉ nước nhiễm xạ hiện nay. Trong một cuộc điều tra dư luận hồi đầu tháng này về đề nghị của các nghị sỹ đối lập, 93% cho rằng quan điểm của Chính phủ Hàn Quôc về thực phẩm nhập từ Nhật Bản là “không thích hợp.”

Chính phủ Nhật Bản ngày 6/9 đã đáp lại động thái trên khi cho rằng Nhật Bản đã kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm dựa trên những quy định quốc tế và các biện pháp chung về đo đạc nồng độ phóng xạ.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp cho chính phủ Hàn Quốc thông tin liên quan kể từ khi vụ rò rỉ nước nhiễm xạ tại Nhà máy điện Fukushima số 1 được đưa ra ánh sáng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Hàn Quốc có các biện pháp dựa trên những căn cứ khoa học”./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục