3 con bài được dùng để lật đổ Tổng thống Gaddafi

Ba con bài là phong tỏa khối tài sản của Libya ở nước ngoài, thiết lập vùng cấm bay để ngăn lực lượng trung thành với ông Gaddafi không kích phe nổi dậy và gây áp lực chính trị.
Theo báo chí địa phương, kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Libya, một câu hỏi luôn xuất hiện trong đầu các chính trị gia phương Tây và các nước thù địch với Libya là làm thế nào để buộc ông Muammar Gaddafi phải ra đi.

Nay mọi việc đã rõ ràng. Ba con bài được sử dụng là phong tỏa khối tài sản đáng ngờ của Libya ở nước ngoài, thiết lập vùng cấm bay để ngăn lực lượng trung thành với ông Gaddafi không kích phe nổi dậy và gây áp lực chính trị.

Về phương diện tài chính, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt những biện pháp trừng phạt mới chống Libya, sau khi phong tỏa tài sản của Đại tá Gaddafi và 25 người thân cận của ông từ cuối tháng 2.

Các loại tài sản tài chính và nguồn kinh tế thuộc quyền sở hữu trực tiếp hay gián tiếp của chính quyền Libya đều thuộc phạm vi bị phong tỏa. Hơn 10 tỷ euro tài sản của Libya trong 193 tài khoản khác nhau đã bị đóng băng tại Ngân hàng Trung ương Đức và 14 ngân hàng khác ở nước này.

Italy thông báo đã đóng băng 6-7 tỷ USD tài sản của Tổng thống Gaddafi hoặc các chính thể ở Libya. Tài sản của Libya ở Luxembourg, tuy không liên quan trực tiếp đến ông Gaddafi và những người trong gia đình ông, cũng bị phong tỏa.

Chính quyền Luxembourg làm như vậy để đề phòng những người thuộc phe Gaddafi lợi dụng tình hình hỗn loạn tìm cách sử dụng số tiền này vào việc mua vũ khí hay trả lương cho lực lượng trung thành với mình để giành lại ưu thế quân sự trên thực địa.

Ưu thế về quân sự được coi là một trong các yếu tố then chốt mà ông Gaddafi và những người trung thành phát huy tối đa để cứu vãn tình thế. Tuy nhiên, gọng kìm đang dần dần siết chặt quanh họ với việc thiết lập vùng cấm bay để "bóp nghẹt" chế độ hiện nay ở Libya nhằm thay thế cho giải pháp can thiệp bằng quân sự, vốn không đạt được sự đồng thuận quốc tế mà lại khá hao tiền tốn của.

Một vùng cấm bay được cho là sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng giữa phái ủng hộ và phái chống Tổng thống Gaddafi. Giới phân tích khẳng định các nước tham gia liên quân có đủ lực lượng trên mặt đất, trên không, trên biển để thực hiện thành công chiến dịch này, so với lực lượng không đáng kể của Libya.

Tuy nhiên, quyết định thiết lập vùng cấm bay được đưa ra vào thời điểm không thuận lợi lắm cho NATO vì tổ chức này vừa thông qua kế hoạch giảm khoảng 60% quân số của mình. Hơn nữa, các chuyên gia quân sự cho rằng một vùng cấm bay trên không phận Libya cũng chỉ có tác dụng hạn chế trong việc ngăn chặn bước tiến của lực lượng trung thành với ông Gaddafi.

Theo nhà phân tích người Pháp Pierre Morville, Pháp và Anh khởi xướng ý đồ thiết lập vùng cấm bay, trong khi Liên đoàn Arập "không phản đối," còn giới lãnh đạo quân sự Mỹ, cũng "không mấy hào hứng" với việc này.

Họ biết rõ đây sẽ là "sự khởi đầu thực sự" của một cuộc can thiệp quân sự, thậm chí một "cuộc chiến tranh không hơn không kém." Muốn làm được điều đó, chính phủ Mỹ cần được Thượng viện đồng ý. Điều đó không dễ vì Mỹ đang bị chôn chân trong các cuộc xung đột gần như không có lối thoát tại Iraq và Afghanistan. Chính vì vậy, Mỹ không muốn đứng ra chỉ huy liên quân thực hiện vùng cấm bay, thậm chí còn rút phương tiện quân sự khỏi chiến dịch không kích do NATO chỉ huy.

Các tổ chức vùng hay quốc tế thuộc thế giới Hồi giáo hay châu Phi đều tỏ ra thận trọng. Trong khi Liên đoàn Arập và OIC ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay thì Liên minh Bắc Phi lại im lặng.

Có nhiều lý do để giải thích thái độ đó. Theo giới phân tích Algeria, hai (Libya và Tunisia) trong số năm nước thành viên sáng lập tổ chức này (cùng với Algeria, Mauritania và Morocco) vừa trải qua khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Ông Pierre Morville cho biết phe đối lập Libya không thống nhất, thậm chí phản đối một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, và tỏ ý lo ngại không biết người dân các nước Arập-Hồi giáo sẽ phản ứng thế nào nếu cuộc xung đột bị sa lầy ở Libya.

Nhà phân tích người Algeria Nabil Belbey lại đặt câu hỏi liệu các vụ không kích có nguy cơ làm cho tình hình căng thẳng lan ra toàn vùng Đại Bắc Phi hay không và nếu như vậy sẽ không lường hết được hậu quả của nó.

Trước mắt là vấn đề người tỵ nạn. Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) cho biết khoảng 300.000 người Libya đã chạy khỏi đất nước và mỗi ngày có thêm 1.500-2.500 người chạy nạn.

Ông cho rằng "kinh nghiệm cho thấy" nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "về lâu dài mang tính tiêu cực đối với tự do của các nước Arập bị buộc phải chịu sự áp đặt của các cường quốc".

Vấn đề còn lại, theo giới phân tích, là kịch bản chính trị nào sẽ được sử dụng để truất ngôi ông Gaddafi vì một khi các cường quốc đã đưa quân vào trận thì đó không chỉ vì mục đích nhân đạo - vốn là cái cớ để can thiệp - mà can thiệp quân sự và chuyển giao chính trị bao giờ cũng đi liền với nhau.

Pháp và Italy đã công nhận Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya. EU cũng coi đây là một bên đối thoại có giá trị. Thực tế đó là sự công nhận phe đối lập Libya. Tổng thống Mỹ luôn nói rằng ông Gaddafi phải ra đi. Điều đó có nghĩa là quá trình chuẩn bị cho sự ra đi của ông Gaddafi sẽ không gặp phải trở ngại nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục