“Cuộc chiến đùi gà” lại bùng phát giữa Nga-Mỹ

Từ đầu năm nay, Nga áp dụng quy định hạn chế sử dụng clo trong chế biến thịt gà, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ lại buộc phải sử dụng clo theo tiêu chuẩn ở nước họ. Mâu thuẫn này một lần nữa lại làm bùng nổ "cuộc chiến đùi gà" giữa Mỹ và Nga, vốn là thị trường nhập thịt gà (chủ yếu là đùi gà) lớn nhất  thế giới của Mỹ trong hơn 10 năm qua.
Từ đầu năm 2010, Nga bắt đầu áp dụng quy định mới về chế biến và bảo quản thịt gà do Cơ quan giám sát tiêu dùng nước này đề ra, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, chế biến phải hạn chế tối đa việc sử dụng clo.

Quyết định này trước hết giáng một đòn vào các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ, vốn phải sử dụng clo theo tiêu chuẩn hiện hành ở nước họ. Từ ngày 17/1, đoàn đại biểu Mỹ đã bắt đầu cuộc đàm phán với Nga nhằm giải quyết vấn đề trên.

Tại hội nghị mới đây về sản xuất và phát triển thị trường thịt gà ở Liên bang Nga, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Đáng tiếc là chúng ta chưa thấy ở một số đối tác, trước hết là các công ty Mỹ, có thái độ sẵn sàng tuân thủ những tiêu chuẩn của chúng ta. Nếu một số nhà cung cấp nước ngoài không muốn, hoặc không thể, thực hiện các yêu cầu của chúng ta về vấn đề an toàn thực phẩm thì chúng ta sẽ sử dụng các nguồn cung cấp khác”.

Đây không phải là lần đầu tiên “cuộc chiến đùi gà” bùng nổ giữa Mỹ và Nga - vốn là thị trường nhập thịt gà (chủ yếu là đùi gà) lớn nhất thế giới của Mỹ trong hơn 10 năm qua

Năm 2003, Nga áp dụng hạn ngạch nhập gà Mỹ và tới năm 2005, hai bên đạt được thỏa hiệp, theo đó các nhà sản xuất Mỹ được phép thực hiện 3/4 hạn ngạch.

Năm 2006, Nga nói sẽ giảm mua đùi gà nếu Washington cản trở bước Mátxcơva gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2008, Nga cấm nhập thịt gà của một loạt công ty Mỹ, do họ vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mátxcơva.

Đại diện Thương vụ Mỹ tại Mátxcơva nói trong năm 2008, một ủy ban gồm các chuyên viên độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) đã khẳng định tính an toàn và hiệu quả của clo trong việc làm giảm nguy cơ thịt gà bị nhiễm khuẩn.

Mỹ đã cung cấp cho Chính phủ Nga những thông tin của các cuộc nghiên cứu bổ sung đó. Song cho đến cuối năm 2009, các quan chức Nga vẫn từ chối thảo luận vấn đề clo với các chuyên gia Mỹ.

Hội đồng Mỹ về xuất khẩu thịt và trứng gà cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nước này, đều sử dụng clo vì đây là cách hiệu quả và hợp lý nhất để chống các vi khuẩn gây bệnh. Phía Mỹ cho rằng sau khi dùng clo, trên thịt gà không để lại bất kỳ dư lượng chất có hại nào.

Trong khi đó, thượng nghị sỹ Sergei Lisovsky, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về chính sách nông-lương, đồng thời là Giám đốc Mosselprom lại có ý kiến khác.

Người đứng đầu một trong những cơ sở chăn nuôi gà hàng đầu của Nga này cho rằng clo là một trong những khí độc quân sự đầu tiên được dùng trong Chiến tranh thế giới lần thứ I.

Phía Mỹ cho rằng việc Nga hạn chế nhập khẩu gà Mỹ vì sử dụng nhiều clo chỉ là cách lý giải chính thức. Đằng sau đó chính là cuộc vận động hành lang thành công của các đại gia nông nghiệp Nga. Các cơ sở chăn nuôi gà của Nga tìm cách nâng giá thịt gà vì trong điều kiện hiện tại họ chỉ có lãi rất ít vì chi phí lớn.

Trước đây, các quy định hạn chế nhập khẩu đùi gà Mỹ ở Nga cũng chỉ vì mục đích này. Nhưng lúc đó, các cơ sở chăn nuôi gà của Nga chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giá cả tăng nên việc nhập khẩu thịt gà Mỹ được nối lại.

Theo số liệu của FAO, Mỹ là nước sản xuất và xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới. Năm 2008, nước này chiếm 23,2% tổng sản lượng thịt gà và 39,5% thị phần thế giới. Gà Mỹ đã được nhập vào Nga từ năm 1992 và đạt đỉnh năm 2001, với hơn 1 tỷ tấn, phần lớn là đùi gà.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu gà Mỹ vào Nga giảm dần, từ hơn 800 triệu tấn năm 2008 xuống 750 triệu tấn năm 2009 và 600 triệu tấn năm 2010, dự kiến sẽ chỉ còn 446,4 triệu tấn năm 2011 và 409 triệu tấn năm 2012. Trong khi đó, sản lượng thịt gà của Nga tăng mạnh và dự kiến đến năm 2012, Nga gần như có thể tự đáp ứng nhu cầu của mình./.

Quang Vinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục