Tổ chức “Hành trình Thiên đô” và “Di chiếu dời đô”

Sáng 1/10, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Chương trình “Hành trình thiên đô” và “Di chiếu dời đô.”
Sáng 1/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức Chương trình “Hành trình thiên đô” và “Di chiếu dời đô.”

Tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, Hội phật giáo Việt Nam, Đoàn tế lễ Thăng Long của thành phố Hà Nội tổ chức tế lễ đăng đàn.

Màn trống hội Hoa Lư và biểu diễn múa lân, múa rồng mở đầu chương trình đọc chiếu dời đô đã diễn ra tại sân khấu lễ hội thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư, làm cho cả khu núi rừng tưng bừng và oai hùng ngày hội lớn.

Đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến chứng kiến sự kiện trọng đại này. Tiếng trống “mở cửa nhà trời” do hai trống sấm - gồm trống cha Lạc Long Quân và trống mẹ Âu Cơ hòa vang hào sảng, như thông báo với đất trời, tổ tiên điều thiêng liêng của đất nước đã điểm.

Trước vận hội mới của đất nước, kế thừa và phát huy những giá trị và thành quả của các bậc tiền nhân, với tầm nhìn sáng suốt và trọng trách gây dựng non sông bền vững muôn đời, mùa xuân năm 1010 Thái Tổ Lý Công Uẩn đã ban Chiếu dời đô. Tại mảnh đất linh thiêng này, 1.000 năm về trước Vua tổ nhà Lý thượng đô về Thành Đại La, sau lấy tên là thành Thăng Long.

Ngàn năm sau, ngày hôm nay con cháu Lạc Hồng về đây kính cẩn, cúi đầu trước anh linh Đức Đinh Tiên Hoàng đế, Đức Lê Đại Hành đế, Đức Lý Thái Tổ Hoàng đế và cẩn cáo đất trời “Hành lễ đăng đàn,” cầu Quốc thái, Dân an và đã tổ chức chương trình sân khấu hóa lịch sử với tựa đề “Hành trình Thiên đô” và “Di chiếu dời đô.”

Tiếp nối đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” những người con đất Việt luôn hướng về và tri ân công đức của các vị Tiên đế, các bậc tiền nhân.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hỗ trợ Thư pháp Việt Nam, Công ty Hưng Long - Đồng Kỵ đã cung tiến tác phẩm “Chiếu Dời Đô,” kỷ lục thư pháp gò đồng, mạ vàng trên khung gỗ quý tự nhiên.

Công trình “Chiếu Dời Đô” có chiều cao 3,85m, rộng 4,58m với trọng lượng gần 5 tấn. Đây được coi là tác phẩm tiêu biểu nhất, chính là tâm huyết của các nghệ nhân và là vật phẩm hội tụ tâm thành của con cháu Lạc Hồng kính dâng Đại lễ của dân tộc.

Kết thúc chương trình sân khấu hóa lịch sử là màn “Tuyên chiếu, Tiễn vua” qua phần thể hiện của các diễn viên, nhạc công đến từ nhà Hát chèo Hà Nội, Ninh Bình, Trường múa Việt Nam, Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lễ tiễn đoàn xuống bến sông Hoàng Long, lên thuyền rồng rời Ninh Bình bắt đầu hành trình dời đô./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục