Công nghệ hấp giải nhiệt để xử lý dioxin ở Đà Nẵng

Công nghệ hấp giải nhiệt để xử lý dioxin được Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, các nhà khoa học.
Ngày 2/8, hội thảo khoa học “90% về thiết kế kỹ thuật công nghệ hấp giải nhiệt trong mố được đề xuất để xử lý chất da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng” đã diễn ra tại Đà Nẵng.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID tài trợ, Quân chủng Phòng không-Không quân làm chủ dự án, Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản.

Trải qua các công đoạn thiết kế 30% và khái toán, rồi thiết kế 90% và dự toán cụ thể, công nghệ hấp giải nhiệt để xử lý dioxin được Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, các nhà khoa học để tiến tới hoàn thiện 100% thiết kế.

Đất bùn nhiễm dioxin được tập kết về mố, rộng 70m, dài 105m, cao 8m, có hệ thống cách nhiệt tại đỉnh và đáy cũng như 2 bên.

Thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt, khoảng trên 95% dioxin trong đất sẽ bị phân hủy ở nhiệt độ 335 độ C, 5% còn lại chuyển thành hơi ngưng tụ hoặc khí thải sẽ được thu gom một cách có kiểm soát. Dự kiến, hội đồng thẩm định công nghệ hấp giải nhiệt trong mố sẽ được tổ chức vào vào tháng 10.

Hạng mục đầu tiên của Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” là rà phá bom mìn đã hoàn thành ngày 20/10/2011 và nghiệm thu đạt kết quả tốt.

Hạng mục thứ hai là thiết kế và đào xúc bùn đất nhiễm dioxin về nơi tập kết để xử lý dự kiến sẽ được khởi công vào ngày 9/8/2012 dưới sự chứng kiến của đại diện Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục