Mô hình phòng chống lây HIV từ mẹ sang con

15 tỉnh miền núi phía Bắc đã thông qua mô hình phòng chống lây HIV từ mẹ sang con, trong đó giảm tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Trong hai ngày 17 và 18/10, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đại biểu 15 tỉnh thuộc khu vực và một số tổ chức quốc tế như WHO, USIDA, UNICEF đã tham dự hội thảo.

Phần lớn các tham luận tại hội thảo đề cập đến những thách thức khi triển khai công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn do những yếu tố khách quan, chủ quan gặp phải như trình độ dân trí thấp, còn nhiều hủ tục về sinh đẻ, mạng lưới y tế cơ sở chưa phủ khắp, năng lực cán bộ y tế cơ sở.

Các tham luận cũng nêu ra những phương thức, cách thức và nhóm giải pháp tối ưu nhằm đạt hiệu quả tăng số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV sớm và nhận kết quả xét nghiệm sớm, chính xác; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện; giảm tình trạng mất dấu theo dõi đối với bà mẹ nhiễm HIV và con của họ.

Hội thảo đã nhất trí thông qua mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, với các nội dung chính như giảm tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV; xét nghiệm HIV sớm, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ; đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được cung cấp đủ và liên tục thuốc ARV đến lúc sinh và sau khi sinh.

Sở Y tế các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, giao trung tâm phòng chống AIDS là đầu mối phối hợp với trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản rà soát tình hình các đơn vị trên địa bàn xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; đồng thời Sở y tế ban hành công văn hướng dẫn thực hiện mô hình, nêu rõ vai trò trách nhiệm của các bên liên quan trong việc cung cấp gói dịch vụ...

Các Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản chủ trì phối hợp với trung tâm phòng, chống AIDS tổ chức các khóa tập huấn về cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền; tổ chức thực hiện tư vấn xét nghiệm cũng như phối hợp với trung tâm phòng chống AIDS trong việc cung cấp thuốc ARV cho thai phụ nhiễm HIV; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn nữ hộ sinh xã, phường, thôn bản theo dõi ca bệnh; tổng hợp số liệu, gửi báo cáo về Sở Y tế. Sở Y tế có trách nhiệm cân đối nguồn kinh phí (từ ngân sách, bảo hiểm, dự án...) trên cơ sở dự thảo hướng dẫn sử dụng, để triển khai hoạt động hiệu quả.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), một thực trạng chung còn tồn tại trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con mà các địa phương khu vực đang mắc phải trong những năm qua là công tác chỉ đạo ở đa số các địa phương chưa có sự quyết liệt của Sở Y tế; sự phối hợp giữa hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản với cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS và mạng lưới y tế cộng đồng còn yếu; cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và HV/AIDS chưa đồng bộ...

Chính những nguyên nhân này là trở ngại làm công tác dự phòng lây truyền từ mẹ sang con ở 15 tỉnh đạt hiệu quả thấp. Năm 2010, chỉ có 6/15 tỉnh có tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV trên 50%, còn lại các tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp, cá biệt như các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm chỉ đạt ở 12 đến trên 13%.

Theo Chiến lược mục tiêu quốc gia về phòng chống lây truyền từ mẹ sang con đến năm 2020, 80% số phụ nữ mang thai quản lý được xét nghiệm HIV sớm và nhận kết quả xét nghiệm; 100% phụ nữ mang thai có xét nghiệm dương tính được điều trị dự phòng bằng ARV; số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng 100% bằng ARV;100% số bà mẹ nhiễm HIV được tư vấn về phương thức nuôi dưỡng trẻ an toàn; 95% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV trước 18 tháng tuổi bằng xét nghiệm PC./.

Xuân Tiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục