ONS nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Anh

ONS bất ngờ tuyên bố tốc độ tăng trưởng GDP của Anh trong quý 3/2011 được điều chỉnh lên mức 0,6%, so với ước tính ban đầu là 0,5%.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 22/12 bất ngờ tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng GDP của nước này trong quý 3/2011 đã được điều chỉnh lên mức 0,6%, so với mức ước tính ban đầu là 0,5%, nhờ kết quả hoạt động của các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tốt hơn dự kiến.

Tính chung, trong cả ba quý đầu của năm 2011, GDP của Anh tăng trưởng 0,5%.

Mặc dù con số chung không thay đổi, nhưng nội hàm tăng trưởng của nền kinh tế Anh đã có sự chuyển biến tích cực, với đầu tư ngân sách công chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn, trong khi khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn hơn.

Trước đó, giới phân tích lo ngại kinh tế Anh sẽ tiếp tục trì trệ trong quý 3/2011, do bị ảnh hưởng bởi những ngày lễ kéo dài nhân “đám cưới Hoàng gia” hồi cuối tháng Tư và hậu quả của trận sóng thần ở Nhật Bản hồi đầu năm nay. Cộng thêm với cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhiều nhà phân tích cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ sớm phải bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, ONS cũng điều chỉnh mức tăng GDP của Anh trong quý 2/2011 từ 0,1% xuống còn 0%. Một yếu tố gây lo ngại nữa đó là tình trạng thâm hụt thương mại của nước này trong quý 3/2011 đã tăng lên 5,4 tỷ bảng Anh, khiến cán cân vãng lai mất cân đối ở mức lớn nhất kể từ năm 1995.

Chuyên gia Thomas Costerg của ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Điều này cho thấy quá trình tái cân bằng nền kinh tế Anh đang phải đối mặt với những thách thức khổng lồ, bất chấp đồng bảng yếu.” Ngoài ra, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình Anh trong quý 3 năm nay cũng tăng lên 6,6%, cho thấy người tiêu dùng Anh đang tăng cường tích trữ và đây không phải là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế nước này.

Thông báo của ONS được đưa ra ngay sau khi Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's của Mỹ cảnh báo rằng Chính phủ Anh cần cắt giảm mạnh tay hơn chi tiêu công hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, hiện đang ở mức AAA của nước này.

Đảng bảo thủ và Đảng Dân chủ tự do, hai chính đảng thống trị chính trường Anh, đã nhiều lần thảo luận nhằm tìm cách cắt giảm chi tiêu công tại nước này, sau khi chứng kiến mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong năm 2010.

Anh không phải là thành viên của Eurozone, nhưng nước này là một đối tác thương mại quan trọng của khu vực đồng tiền chung này và nền kinh tế Anh cũng bị ràng buộc bởi những khó khăn mà EU đang phải "vật lộn" xung quanh vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công./.

Vũ Hội-Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục