Sẽ tăng cường kiểm tra việc dự trữ hàng bình ổn giá

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá trên địa bàn.
 
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố thường xuyên nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu đưa vào chương trình các mặt hàng thiết thực phục vụ ổn định đời sống nhân dân ở địa phương.
 
Bộ cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố có cơ chế điều chỉnh giá kịp thời khi giá thị trường có biến động, tránh để xảy ra hiện tượng giá bán hàng bình ổn cao hơn giá thị trường.
 
Bên cạnh đó, các tỉnh và thành phố cần có biện pháp thích hợp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá; kết hợp tổ chức bán hàng lưu động đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư để người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Nhằm tạo nguồn hàng ổn định, lâu dài, Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp thúc đẩy liên kết từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng để tạo sự chủ động.

Với những hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng yêu cầu xử phạt nghiêm và công bố công khai những hành vi này, tránh việc lợi dụng để kiếm lời bất chính. Ngược lại, những doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được đánh giá, khen thưởng phù hợp.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng liên quan báo cáo về Bộ Tài chính nội dung Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá địa phương đang thực hiện hoặc dự kiến dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Thời gian gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) phải trước ngày 5/10/2012.

Theo Bộ Tài chính, đề nghị này được phát đi sở dĩ bởi những phản ánh trước đó về việc chương trình dự trữ hàng bình ổn giá mặc dù đã những thành công nhất định nhưng vẫn chưa hoàn toàn tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đặc biệt, nhiều thông tin phản ảnh về việc có lúc, có nơi giá bán hàng bình ổn chưa thực sự đảm bảo thấp hơn giá thị trường như cam kết, thậm chí còn cao hơn giá thị trường.

Đây là chương trình sử dụng nguồn ngân sách tạm thời nhàn rỗi của địa phương tạm ứng vốn không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp để dự trữ một số hàng hóa thiết yếu; trong đó giá cả các mặt hàng bình ổn phải cam kết luôn thấp hơn giá thị trường từ 5%-10% hoặc có mặt hàng thấp hơn đến 15%./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục