Tâm lý cảnh giác quay lại tại thị trường năng lượng

Theo chuyên gia phân tích, tâm trạng hưng phấn của thị trường sau khi nước Mỹ né được "vách đá tài chính" vào phút chót đã xẹp xuống.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore sáng 3/1, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 2/2013 giảm 46 xu xuống 92,66 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 41 xu xuống 112,06 USD/thùng.

Theo các chuyên gia phân tích, tâm trạng hưng phấn của thị trường sau khi nước Mỹ né được "vách đá tài chính" vào phút chót đã xẹp xuống.

Nhà đầu tư có ý thận trọng khi hai tháng tới, nước Mỹ lại phải đối mặt với cuộc đàm phán cam go liên quan tới thỏa thuận tài chính.

Kế hoạch cắt giảm chi tiêu chỉ bị trì hoãn trong 2 tháng, đồng thời nước Mỹ còn phải giải quyết mức trần nợ công.

Trong khi đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/1, giá dầu thế giới tăng sau khi thị trường nhận được tin vui từ Quốc hội Mỹ. Giá dầu New York giao tháng 2/2013 tăng 1,3 USD lên 93,12 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ phiên 18/9/2012.

Còn giá dầu Brent giao cùng kỳ cũng tăng 1,36 USD lên 112,47 USD/thùng.

Trong phiên 2/1, đồng USD yếu là một nhân tố hỗ trợ giá dầu. Đồng tiền xanh mất giá làm gia tăng nhu cầu đối với các hàng hóa được giao dịch bằng đồng tiền này, trong đó có dầu thô. Đặc biệt, thông tin khả quan về khu vực chế tạo của Trung Quốcc cũng nâng đỡ thị trường ít nhiều.

Theo thống kê chính thức, tháng 12/2012 là tháng thứ ba liên tiếp hoạt động chế tạo của Trung Quốc đi lên - một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế này đã thoát khỏi giai đoạn trì trệ.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất hành tinh./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục