Thứ trưởng Bộ TT-TT: Beeline rút lui là tất yếu

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, doanh nghiệp viễn thông hoạt động không hiệu quả sẽ phải tự động rút ra khỏi thị trường.
Bình luận về sự kiện VimpelCom rút ra khỏi thị trường viễn thông Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, đây là câu chuyện tất yếu, theo quy luật đào thải của thị trường.

Chia sẻ này được ông nói với báo chí bên lề Tọa đàm “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam,” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức ngày 25/4.

Theo ông Thắng, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ phải sáp nhập, hoặc rút ra khỏi thị trường, doanh nghiệp nào mạnh có thực lực và cạnh tranh tốt thì sẽ tiếp tục ở lại. Đây chính là việc cơ cấu bằng chính biện pháp lành mạnh của chính thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính.

Trước đó, thị trường viễn thông Việt Nam từng chứng kiến mà ví dụ sống động nhất chính là vụ sáp nhập tốn khiến nhiều giấy mực của báo giới giữa “chúa Chổm” EVN Telecom và Viettel.

“Trên các nước, việc công ty này rút ra, công ty kia gia nhập thị trường là chuyện hết sức bình thường. Môi trường viễn thông của Việt Nam hiện nay là rất tốt,” ông Thắng nói.

Trước ý kiến cho rằng doanh thu trung bình của một thuê bao di động (ARPU) ở thị trường viễn thông Việt Nam thấp (khoảng 2 USD/tháng), ông Thắng cho rằng thực tế không hẳn thế. Nguyên nhân được lý giải bởi thị trường có lượng thuê bao ảo khá nhiều.

Về Beeline, ARPU của mạng này thấp cũng bởi từ khi ra nhập thị trường, đơn vị này đã dùng nhiều chính sách miễn giá cước, khuyến mãi khủng (Big Zezo, Tỷ phú 1, Tỷ phú 2…) được xem là bán thấp dưới giá thành để hút khách hàng.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cách làm ăn như vậy thì khó có thể tồn tại lâu dài. “Đầu tư viễn thông là quá trình lâu dài và có tầm nhìn thì mới phát triển bền vững. Thị trường viễn thông đòi hỏi doanh nghiệp có năng lực thực sự, còn nếu không sẽ bị thải loại,” ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thắng, trong lĩnh vực viễn thông, bản thân doanh nghiệp Việt Nam không thiếu vốn khi nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Về công nghệ, chúng ta cũng có thể tiếp cận dễ dàng, và về mặt nguồn nhân lực trong nước cũng là khá tốt. Do đó, nếu doanh nghiệp trong nước tự phát triển, tạo công ăn việc làm cho người Việt, lợi nhuận đóng góp cho nhà nước… sẽ rất tốt./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục