Thuật luyện voi làm du lịch ở cố đô của Thái Lan

Đến với cố đô Ayutthaya, mỗi du khách chỉ cần bỏ ra 6-16 USD là có thể cưỡi trên lưng chú voi đã có ghế và ô lọng để đi dạo 15-30 phút.
Khi đến thăm Thái Lan, nhất là cố đô Ayutthaya, du khách không chỉ có cơ hội thăm quan nhiều đền đài, di tích cổ và chùa chiền hay các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở địa phương, mà còn có dịp vui dạo phố cùng với đàn voi sau khi xem người quản tượng hướng dẫn chú voi 4 tuổi quỳ xuống làm trò vui đón chào quý khách.

Dưới sự điều khiển của người quản tượng, voi con nằm phục xuống, với chân trước hơi nhún và giơ ghếch lên khá tinh nghịch, rồi hua cuộn vòi chào trong những tràng vỗ tay tán thưởng của khách thăm quan.

Mỗi người chỉ cần bỏ ra 200-500 baht (khoảng trên 6-16 USD) là có thể cưỡi trên lưng chú voi đã có ghế và ô lọng khá đẹp được buộc sẵn, để đi dạo khoảng 15-30 phút.

Đàn voi thuộc sự quản lý của cơ sở bảo tồn và thuần luyện voi có tên gọi là Ayutthaya Elephant Palace & Royal Kraal, được thành lập năm 1996. Chị Ewa Narkiewicz, giám đốc phụ trách về truyền thông của cơ sở, cho biết: “Với khoảng 100 chú voi đang được chăm sóc và nuôi dưỡng, hiện Ayutthaya Elephant Palace là một trung tâm bảo tồn, huấn luyện voi lớn nhất ở Thái Lan, trong bối cảnh đàn voi của nước này đã giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 2.000 con."

Tính riêng tiền mua cỏ và thức ăn hàng ngày cho mỗi chú voi lên tới 500-600 baht, tức vào khoảng trên 50.000 baht (1.600 USD)/ngày cho cả đàn, chưa kể tiền thuốc, tiền công và các chi tiêu khác.

Theo chị Ewa, bên cạnh nguồn tiền quyên tặng từ các nhà hảo tâm, để có thêm ngân quỹ thực hiện những dự án bảo tồn, các chú voi được huy động để phục vụ đón chở khách du lịch, tham gia không ít lễ hội truyền thống, đóng phim và cả dịch vụ quảng cáo.

Ngoài việc chăm sóc và khám chữa bệnh miễn phí cho voi, Ayutthaya Elephant Palace còn tiếp nhận hay mua cả những con voi hung dữ trong dân cư về để thuần hóa lại.

Thành công nổi bật nhất của trung tâm trong nỗ lực bảo vệ, phát triển đàn voi tới nay là họ đã chào đón sự ra đời của chú voi con thứ 47, sau khi con voi con đầu tiên được sinh ra ở đây vào năm 2000.

Trong văn hóa Thái, voi rất được coi trọng, nhưng thực tế con số 100.000 con cách đây một thế kỷ nay chỉ còn khoảng 2.000-2.500 con. Phải sống riêng lẻ và không có thời gian tiếp xúc bầy đàn nên bầy voi không có cơ hội sinh sản. Thái Lan đã thành lập những trung tâm huấn luyện, nuôi dưỡng, bảo tồn voi và thay đổi công năng cho chúng./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục