Thế giới cần 28.000 máy bay mới trong 20 năm tới

Theo dự báo mới nhất của Airbus ngày 24/9, trong vòng 20 năm tới (2013-2032), lưu thông đường hàng không sẽ gia tăng 4,7% mỗi năm.
Theo Dự báo Thị trường Toàn cầu (GMF) mới nhất của Airbus vừa công bố ngày 24/9, trong vòng 20 năm tới (2013-2032), lưu thông đường hàng không sẽ gia tăng 4,7% mỗi năm.

Theo đó, ngành hàng không cần hơn 29.220 máy bay chở khách và chở hàng mới, trị giá gần 4.400 tỷ USD, trong đó số máy bay chở khách là 28.350 chiếc, trị giá 4.100 tỷ USD.

Khoảng 10.400 chiếc với hiệu quả kinh tế cao hơn sẽ được đưa vào sử dụng thay cho những chiếc đang hoạt động. Với đội bay hiện nay gồm 17.740 chiếc máy bay, tính đến năm 2032, đội bay trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi lên gần 36.560 máy bay.

Theo Airbus, kinh tế tăng trưởng, tầng lớp trung lưu ngày càng đông, khả năng tài chính ổn định, du lịch dễ dàng, đô thị hóa và làn sóng di cư là các yếu tố làm gia tăng sự kết nối giữa con người với các khu vực và mức độ thường xuyên đi du lịch.

Từ nay đến năm 2032, tốc độ đô thị hóa nhanh làm sẽ tăng gấp đôi số thành phố lớn và 99% lưu thông đường dài của thế giới sẽ diễn ra giữa hoặc thông qua các thành phố này.

Tăng trưởng lưu thông dẫn đến thị trường máy bay có kích cỡ trung bình tăng trưởng 25% vì các hãng hàng không có xu hướng lựa chọn các máy bay lớn hơn.

Theo công bố của sân bay Heathrow ở London, máy bay lớn như A380 với khả năng tải cao cho phép sử dụng hiệu quả nhất các khoảng trống, góp phần tăng số lượng hành khách mà không cần tăng thêm chuyến bay.

Trong 40 năm qua, xu hướng tập trung phát triển bền vững nhằm bớt tiêu thụ nhiên liệu và giảm tiếng ồn ít nhất 70% sẽ được tiếp tục thực hiện với những dòng máy bay cải tiến như A320neo, A320 Sharklet, A380 và A350 XWB.

Ông John Leahy, Giám đốc khách hàng của Airbus cho biết đến năm 2032, giao thông châu Á-Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu thế giới, vượt qua châu Âu và Bắc Mỹ. Trung bình hiện nay, một phần năm dân số của các thị trường mới nổi bay một chuyến mỗi năm và đến năm 2032, con số này sẽ tăng lên đến hai phần ba.

Sự hấp dẫn của du lịch hàng không đồng nghĩa với số lượng hành khách sẽ tăng hơn gấp đôi từ 2,9 tỷ hiện nay lên 6,7 tỷ vào năm 2032, thể hiện rõ vai trò thiết yếu của ngành hàng không đối với tăng trưởng kinh tế.

Giao thông nội địa cũng sẽ tăng lên mạnh mẽ như Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (gần 10%), tiếp theo là Trung Quốc và Brazil (7%).

Nhìn chung, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 5,5%, châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm 36% trong tổng nhu cầu máy bay chở khách mới, tiếp theo là châu Âu (20%) và Bắc Mỹ (19%) .

Ở thị trường máy bay cực lớn, mà thống trị là máy bay A380, thế giới sẽ cần 1.334 máy bay chở khách trị giá 519 tỷ USD.

Trong số đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 47%, tiếp theo là Trung Đông (26%) và sau đó là châu Âu (16%).

Nhu cầu về máy bay A380 của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng tăng lên do tầng lớp trung lưu tăng gấp bốn lần trong vòng 20 năm tới./.

Hoàng Tuấn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục