Giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu để phát triển kinh tế

Các đại biểu cho rằng, nên giải quyết nhanh các vấn đề như lãi suất cao, nợ xấu và tái cơ cấu để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận cả ngày về tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề lãi suất, nợ xấu, vàng đang là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã giải trình trước Quốc hội về những vấn đề này.

Bên lề kỳ họp, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với các đại biểu xung quanh những nội dung này.

Thị trường vàng dần ổn định

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Thành phố Hải Phòng: Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, chỉ riêng ngành ngân hàng nỗ lực là chưa đủ. Với diễn biến kinh tế như hiện nay chúng ta cần xác định xử lý nợ xấu sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém và không phải cứ muốn là xử lý được ngay.

Đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để các cấp, các ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn chung cho nền kinh tế, trong khi dư địa điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều thì sự đột phá trong chính sách đầu tư cũng sẽ mang lại những kết quả quan trọng trong bối cảnh tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Đối với thị trường vàng, trong một thời gian dài đã phát triển một cách tự phát, không được sự quản lý chặt chẽ, không có định hướng cụ thể và tác động lớn đến tỷ giá và dự trữ ngoại tệ của đất nước.

Thời gian qua có thể thấy rằng Ngân hàng nhà nước đã triển khai quyết liệt Nghị định số 24 của Chính phủ, không thể phủ nhận một số kết quả bước đầu mà Ngân hàng Nhà nước đã đạt được như hạn chế tình trạng vàng hóa, chấm dứt việc huy động và cho vay vốn bằng vàng, chấn chỉnh vai trò thanh toán, vai trò tiền tệ của vàng nhưng vẫn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc mua bán, cất trữ vàng.

Thị trường vàng ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, nhờ vậy cung cấp ngoại tệ cân bằng, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, mặc dù ngân hàng nhà nước đã giải thích cho rằng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới không ảnh hưởng tới tỷ giá thị trường ngoại tệ và không gây mất ổn định kinh tế vĩ mô như các giai đoạn trước đây. Điều này gây tâm lý nhất định trong một bộ phận nhân dân. Tôi hy vọng với hoạt động của Ngân hàng nhà nước trong thời gian tới chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới sẽ thu hẹp dần theo đúng nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Lãi suất đã giảm từ 7-11%/năm

Đại biểu Phạm Huy Hùng – Thành phố Hà Nội: Theo tôi, từ năm 2011, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, chỉ trong khoảng 1 năm lãi suất huy động Việt Nam đồng giảm từ 4% đến 9% một năm, lãi suất cho vay giảm từ 7% đến 11%/năm, mặt bằng lãi suất về mức thấp hơn năm 2007.

Các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay để thu hút khách hàng và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi nhưng tín dụng vẫn không tăng được. Hiện tại chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động chỉ khoảng 1,5% đến 1,8%. Đây là mức thấp nhất từ trước đến nay, lãi suất ngân hàng không còn là rào cản tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.

Đối với tăng trưởng tín dụng, tôi cho rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp với chức năng đi vay để cho vay, việc không cho vay được trong khi nguồn vốn huy động vẫn tăng dẫn đến ngân hàng thừa tiền. Để đẩy vốn ra, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng chi nhánh, tìm kiếm khách hàng tốt, cạnh tranh cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.

Những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt thì hoạt động cầm chừng, nhu cầu vay thấp. Một bộ phận doanh nghiệp khác có nhu cầu vay vốn thì không có phương án kinh doanh khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao, vốn cho vay ra không có khả năng thu hồi, nếu ngân hàng cho vay sẽ làm nợ xấu tăng trở lại và chúng ta lao vào vòng luẩn quẩn nặng hơn và không thể tháo gỡ được.

Như vậy khó khăn hiện nay, vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn giảm, hàng hóa tồn kho lớn, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, cầu có khả năng thanh toán vẫn chưa được cải thiện. Giải quyết vấn đề này cần kích cầu, đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin của thị trường.

Đối với vấn đề nợ xấu, thực chất là do doanh nghiệp và khách hàng vay vốn không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng. Đến nay, ngành ngân hàng đã xử lý được trên 330 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên nếu nền kinh tế tiếp tục diễn biến không thuận lợi thì các khoản nợ đã được cơ cấu thời gian qua sẽ trở lại thành nợ xấu và gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng, nền kinh tế.

Xử lý nợ xấu là vấn đề phức tạp cần có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và xã hội. Với đề án tổng thể xử lý nợ xấu và có giải pháp mang tính đột phá, khả thi giải quyết trong thời gian sớm nhất để khơi thông nguồn vốn phát triển cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, tạo đà tăng trưởng trở lại.

Cần có phương án giải quyết nợ xấu

Đại biểu Đặng Thuần Phong - Bến Tre: Hiện nay lãi suất đã nhưng chênh lệch giữa vốn huy động và vốn vẫn ở mức cao. Hiện có hàng trăm doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, một số doanh nghiệp hàng tồn kho còn nhiều một phần là do lãi suất quá cao trong thời gian qua.

Theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo ngân hàng khắc phục các hạn chế, thực hiện các cam kết trong đề án tái cơ cấu theo lộ trình để khơi thông nguồn mạch của nền kinh tế, trong đó chú ý một số vấn đề sau: Đối với quản lý vàng phải đúng quy luật, nhanh chóng thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới sau ngày 30/6/2013. Giá vàng hiện tại tuy chưa ảnh hưởng đến giá ngoại hối, chưa gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng đã gây bất bình trong dư luận xã hội, cần phải sớm khắc phục.

Sớm có phương án giải quyết nợ xấu, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất, giải phóng hàng tồn kho, tăng cường sức khỏe cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển và mở rộng.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nền kinh tế

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Quảng Trị: Tôi thấy vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay vẫn diễn ra chậm chạp. Thực tế vào cuối năm 2012, báo cáo của Quốc hội về việc thực hiện đề án tổng án này, Chính phủ đã nêu một trong bốn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, khu vực ngân hàng nói riêng là vì quyền lợi cá nhân một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại, cổ phần yếu kém, thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước.

Đến nay thay vì báo cáo kết quả giải quyết vướng mắc này, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng đây là một trong các nguyên nhân khiến cho quá trình tái cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến mà không nêu được hướng xử lý và khả năng xử lý.

Còn tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế thì vướng mắc rất quan trọng chỉ ra câu chuyện tái cơ cấu Tập đoàn dầu khí Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty chuyên phân phối khí của tập đoàn phải có đề án tái cơ cấu vào đầu tháng 9/2012 để khắc phục tình trạng 9,8 tỷ m3 khi đã bị bán rẻ cho một đơn vị cổ phần nhưng doanh nghiệp này xin lùi thời gian tới tháng 9/2013.

Như vậy, các nguyên nhân dẫn đến lạm phát ổn định và bất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa được xử lý và giải quyết một cách rốt ráo những vấn đề nêu trên đều đã được công khai trên báo chí và đang chờ Quốc hội đưa ra các giải pháp xử lý thích đáng mới tạo ra được sự ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục