Quảng Nam: Rà soát dự án thủy điện chậm tiến độ

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị rà soát, kiểm tra và ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ thi công 17 dự án thủy điện, nếu cần thì loại bỏ.
Ngày 10/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã làm việc với các Sở, ban, ngành liên quan cùng đại diện các địa phương có các dự án thủy điện nằm trong quy hoạch của tỉnh. Qua đó, đề nghị rà soát, kiểm tra lại và tiến hành ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ thi công 17 dự án thủy điện, nếu cần thiết thì loại bỏ các dự án này.

Qua thực tế triển khai xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam , đến nay có nhiều dự án, chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết tiến độ đã đề ra. Thậm chí có một số dự án không thực hiện xây dựng… gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như ảnh hưởng đến đời sống đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: việc xây dựng thủy điện có cái được và cái mất, tuy nhiên trong thực tế thời gian qua thì những hệ lụy do thủy điện gây ra khá nhiều.

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương khẩn trương rà soát lại các dự án thủy điện như Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, Tr’hy, Đăk Sa… đồng thời tiến hành ký cam kết với các chủ đầu tư thực hiện thi công theo tiến độ. Nếu chủ đầu tư chậm trễ, hoặc không cam kết thì kiên quyết loại bỏ hoặc kiến nghị loại bỏ khỏi quy hoạch những thủy điện này.

H iện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 44 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất 1.584,6 MW, điện lượng bình quân hàng năm là 6,261 tỷ kWh; trong đó có 10 dự án thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn và 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Qua phân tích, đánh giá về những mặt được và chưa được của thủy điện, các ban, ngành, địa phương đã chỉ rõ những hệ lụy của thủy điện gây ra trên địa bàn như: Do chặn dòng nên gây ra những đoạn sông “chết”; việc điều tiết xả lũ của các thủy điện rất phức tạp và khó khăn, khó kiểm soát; mất rừng; mất cân bằng sinh thái; cô lập các vùng dân cư. Nước từ thượng nguồn đổ về ít trong mùa hạn, gây tình trạng mặn xâm nhập sâu đất liền, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân…/.

Nguyễn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục