Thượng viện Mỹ thông qua dự luật "cứu" chính phủ

Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời trị giá 986 tỷ USD nhằm cấp kinh phí hoạt động cho chính phủ nước này đến ngày 15/11.
Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày là đến thời hạn Chính phủ Mỹ có thể phải ngừng hoạt động vì hết kinh phí, ngày 27/9, với 54 phiếu thuận và 44 phiếu chống, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời trị giá 986 tỷ USD cấp kinh phí hoạt động cho chính phủ đến ngày 15/11.

Trước đó, ngày 25/9, Thượng viện Mỹ đã đề xuất một dự luật chi tiêu, trong đó nhất trí bỏ khoản chi cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Mỹ Barack Obama thường biết đến với tên gọi "Obamacare."

Đây được coi là một động thái nhằm thu hẹp bất đồng sâu sắc giữa hai viện Quốc hội Mỹ về dự thảo ngân sách 2014. Trước đó, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một kế hoạch ngân sách tạm thời 986 tỷ USD cấp kinh phí cho hoạt động của chính phủ đến ngày 15/12, trong đó không cấp ngân sách cho chương trình Obamacare - điểm nút trong tranh cãi không có hồi kết giữa hai đảng.

Trong dự luật thông qua ngày 27/9, Thượng viện lại loại bỏ điều khoản không cấp ngân sách cho Obamacare trong dự luật đề xuất ngày 25/9.

Dự luật mới sẽ được gửi cho Hạ viện xem xét. Chủ tịch Hạ viện John Boehner ngụ ý rằng ban lãnh đạo đảng Cộng hòa trong cuộc họp kín có thể sẽ sửa nội dung dự luật trước khi gửi trở lại Thượng viện. Động thái này có thể khiến dự luật không có đủ thời gian để được thông qua ở cả hai viện quốc hội trước thời hạn kết thúc tài khóa hiện nay vào nửa đêm 30/9.

Ngay sau khi Thượng viện thông qua dự luật trên, Tổng thống Obama đã lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở Hạ viện nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách trên cũng như nâng mức trần nợ công nhằm tránh thảm họa Chính phủ Mỹ lần đầu tiên không thể thanh toán tất cả khoản nợ. Ông Obama cảnh báo hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc đóng cửa chính phủ mà còn có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới vì Mỹ là nền tảng của hệ thống đầu tư thế giới.

Liên quan đến khả năng chính phủ đóng cửa, giới chức Lầu Năm Góc thông báo gần 1,4 triệu binh sỹ Mỹ sẽ tiếp tục nhiệm vụ dù không được trả lương. Theo các quan chức cấp cao, các hoạt động quân sự và huấn luyện liên quan đến cuộc chiến ở Afghanistan và các nhiệm vụ ưu tiên khác sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng hầu hết các chương trình huấn luyện và bảo dưỡng sẽ bị hủy nếu Quốc hội không thể đạt được thỏa thuận trước hạn chót.

Ngoài ra, Trưởng ban tài chính Lầu Năm Góc Robert Hale ước tính khoảng 800.000 nhân viên dân sự phụ trách các vấn đề thiết yếu như y tế, ăn uống, hậu cần, đạo tạo, tài chính, v.v cũng phải tiếp tục nhiệm vụ không lương.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã cảnh báo Quốc hội rằng Mỹ có thể sẽ mất hết khả năng vay mượn tài chính vào khoảng thời gian trước ngày 17/10 tới, thời điểm Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD tiền trong ngân sách chính phủ.

Đạo luật cải cách y tế Obamacare quy định tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt về kinh tế. Hiện tại nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% dân số, không có bảo hiểm y tế. Luật cải cách y tế của ông Obama hy vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm.

Ðể có kinh phí cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm. Tầng lớp người giàu và các nghị sỹ Cộng hòa đã phản đối đạo luật này, cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục