Khi cầu thủ Việt đá bóng trên thương trường

Không thiếu người phải thán phục giới cầu thủ về ý tưởng bắt tiền đẻ ra tiền, từ tự kinh doanh đến khai thác thương hiệu cá nhân.
Đôi khi, làm ông chủ trên sân lại không say mê bằng ông chủ một nhà hàng hay một cửa hiệu nào đó. Cầu thủ vẫn đốt tiền, vẫn tiêu tiền như nước. Nhưng giới cầu thủ giờ không thiếu người khiến thiên hạ phải thán phục với những ý tưởng làm sao phải bắt tiền đẻ ra tiền.


Không chỉ có "tứ chi phát triển"

Làm cái nghề cầu thủ, muốn dành dụm chỉ từ đồng tiền lương là rất khó. Cứ đi đá sân khách là tiêu tiền. Không ăn chơi, cờ bạc gì nhưng nếu cả tháng có vài lần đi đá xa nhà và gặp gỡ bạn bè cũng rất tốn kém.

Hết mồ hôi là hết tiền. Một cuộc sống dài đằng đẵng phía sau ngày treo giày không được bảo đảm. Phi thương bất phú. Và những vụ chuyển nhượng bỗng nhiên cho các cầu thủ một số tiền rất lớn, đủ hoặc thừa để xây nhà, tậu xe, rồi có một khoản để đầu tư. Cầu thủ bắt đầu không chỉ là những người đá bóng.

Thành Lương bỏ ra 600 triệu đồng, đầu tư một quán càphê và cơm văn phòng lịch sự ở Hà Nội. Lương bảo không biết gì chuyện kinh doanh, nhờ người anh quản lý và điều hành, nhưng ý tưởng kinh doanh phục vụ ăn uống - ngành luôn có khoản lợi nhuận "mua một bán gấp đôi, gấp ba" thì Lương thừa nhận là của anh. Một cầu thủ quê gần chùa Hương (Hà Nội), từng bị cho là chỉ biết rê dắt và sút bóng, có những suy nghĩ như thế là một sự đổi thay và tiến bộ lớn lao, hoặc giả cũng có sự tác động từ một trào lưu cầu thủ kinh doanh đã được báo chí nhiều lần đăng tải.

Nói tới chuyện kinh doanh của giới cầu thủ, những người quan tâm không còn lạ lẫm với chuyện thủ môn Thế Anh có cả công ty riêng, thuê đất đầu tư xây dựng hàng loạt sân cỏ nhân tạo và sân tennis. Tiền đạo Anh Đức mở hàng loạt shop thời trang, giày thể thao.

Thương hiệu không phải 1 xu

Nhưng cũng có những người bảo, cầu thủ Việt Nam mới chỉ biết 1 mà chưa biết 10. Kinh doanh tốt, nhưng nhọc công và nhọc óc đâu kém bóng đá (chưa kể tới nguy cơ thua lỗ). Có một cái mà các cầu thủ lãng phí, không biết khai thác giá trị "ngôi sao sân cỏ" của mình để làm quảng cáo,  một nghề kiếm tiền nhanh, dễ, nhiều hơn và đặc biệt là nhàn hơn rất nhiều.

Thảo Trang kể từ khi kết hôn với Thanh Bình, nhiều người mới biết có cô người mẫu tên Trang như thế. Tần suất xuất hiện của Thảo Trang trên báo chí (phỏng vấn, ảnh...) ngang ngửa với những người mẫu vơ-đét.

Cũng có những người đã có đôi chút tiếng tăm, nhưng khi "gắn bó" với các cầu thủ, thì hình ảnh của họ được tiếp thị ra những thị trường mới và trở nên "nổi" hơn. Thủy Tiên với Công Vinh là trường hợp như thế, hoặc khác một chút và "thầm kín hơn" là cặp Ngọc Diệp (cũng là người mẫu) và Như Thành.

Một xu hướng đang hình thành khi người mẫu, ca sĩ ngày càng có nhiều người để ý tới cầu thủ. Ở đây, chúng ta không thể và cũng được phép kết luận những sự kết hợp đó là vụ lợi hay để làm thương hiệu, nhưng không thể phủ nhận là "phái yếu" hiện có lợi hơn trong câu chuyện này.

Nhìn từ góc độ này, rõ ràng, thương hiệu và hình ảnh của các cầu thủ là thứ có thể đẻ ra tiền. Nhưng các cầu thủ lại chưa biết kiếm tiền từ đó. Thực sự là như vậy chứ không phải là các chuyên gia quảng cáo, tiếp thị chưa phát hiện được tiềm năng của các cầu thủ.

Với các công ty truyền thông (những đơn vị làm quảng cáo, chiến lược tiếp thị cho các doanh nghiệp) đánh giá rằng việc gắn hình ảnh với các cầu thủ bóng đá là một canh bạc thực sự. Một scandal, một vụ dàn xếp tỉ số, một vụ đánh lộn trên sân cỏ với đồng đội, một vụ cởi áo ném vào mặt trọng tài, hay một vụ quá chén lăn lê bò toài ở quán, tất cả đều khiến cho các dự án quảng cáo đi tong trong chốc lát.

Từ đây, một câu hỏi đặt ra, là bao giờ thì các cầu thủ bóng đá Việt Nam không chỉ là đủ tầm giúp các nhân vật trong giới showbiz nổi tiếng bằng con đường "tiểu ngạch", mà còn thực sự cạnh tranh với cả những nhân vật tầm cỡ trong giới showbiz về khả năng kiếm tiền nhờ tham gia quảng cáo?

Có thể là 5, 10 năm hay lâu hơn nữa, điều đó mới xảy ra. Nhưng chắc chắn rằng để đạt tới mục đích đó, các cầu thủ Việt Nam phải biết tạo hình ảnh, giữ gìn hình ảnh của chính mình khi đã thực sự nổi tiếng, chứ không phải là "bắt chước" những ngôi sao ngoại cởi trần chụp ảnh chung với bạn gái để nổi cho nhanh và tiến sâu hơn nữa vào thế giới giải trí nhiều rối rắm ở hậu trường./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục