Rửa tay để chống cúm

Muốn phòng chống cúm, hãy rửa tay đúng cách

Các chuyên gia dịch tễ tin rằng, vệ sinh cá nhân tốt giúp ngăn ngừa tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hiệu quả, trong đó có cúm H1N1.
Nhiều chuyên gia dịch tễ tin rằng, vệ sinh cá nhân tốt chính là cách ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hiệu quả và đơn giản nhất, trong đó có cúm H1N1. Rửa tay phòng cúm Điều tra mới nhất của Hiệp hội vi sinh vật Mỹ và Học viện Hoa Kỳ về vấn đề làm sạch cho thấy, rửa tay đã trở thành một thói quen phổ biến ở Mỹ. Theo kết quả công bố năm 2008, 85% số người được hỏi cho biết họ thường xuyên rửa tay ở các nhà vệ sinh công cộng. Đây là con số cao nhất từ khi các nghiên cứu về thói quen rửa tay được bắt đầu triển khai năm 1996. Mặc dù chưa có bất kỳ cơ sở khoa học trực tiếp nào chứng tỏ rằng việc vệ sinh chân tay có thể giúp ngăn ngừa virus H1N1, nhưng nhiều chuyên gia y tế tin rằng: thói quen vệ sinh tốt đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nước Mỹ ở ngoài vòng phong tỏa của đại dịch cúm khủng khiếp này. Trong đó, rửa tay chính là bước bản lề để giữ được thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng tốt. Những hành động như che mũi và miệng khi hắt hơi, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc qua tay chính là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Ông Jeff Dimond, phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ khẳng định, bàn tay thường xuyên bị dính vi khuẩn hoặc virus khi tiếp xúc với các bề mặt khác. Một người nào đó có thể đã động vào tay nắm cửa, sờ vào bàn phím máy tính, tay vịn cầu thang hoặc sử dụng cốc chén mà bạn không biết. virus cúm có thể sống dai dẳng tới 5 giờ đồng hồ trên những bề mặt tiếp xúc đó. Vì thế, bạn hoàn toàn có thể vô tình đưa virus vào trong cơ thể mình thông qua những hành động đơn giản như dụi mắt sau khi tiếp xúc với các bề mặt trên. Rửa tay đúng cách Cách tốt nhất để tránh cho bàn tay trở thành nơi ký sinh của những tác nhân truyền bệnh đó là rửa tay. Tuy nhiên, cần phải rửa tay đúng cách, và đây là điều mà không phải ai cũng biết và thực hiện. Đầu tiên, bạn phải dùng xà phòng và nước ấm. Theo các chuyên gia y tế, chỉ rửa bằng nước và lau khô tay cũng có thể loại bỏ số lượng vi khuẩn nhất định. Tuy nhiên, chất bẩn và vi khuẩn cứng đầu vẫn bám trụ. Xà bông sẽ giúp tẩy rửa các chất dầu mỡ, đất và bụi bẩn cùng những sinh vật gây hại khu trú ở đó. Chính vì thế, bạn cần kết hợp dùng xà bông và nước ấm để đạt hiệu quả cao nhất. Bạn cũng không cần thận trọng tới mức phải dùng xà phòng diệt khuẩn để rửa tay hàng ngày. Bất kỳ loại xà phòng nào tạo bọt đều có thể giúp vệ sinh đôi bàn tay bạn. Xà phòng diệt khuẩn chỉ nên sử dụng khi bạn ở môi trường trị bệnh hoặc phẫu thuật. Khi rửa, bạn cần chà xát mạnh hai bàn tay vào nhau, phải kỳ cọ lòng bàn tay và các kẽ ngón tay kỹ lưỡng. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ cũng khuyến cáo: cần rửa tay tối thiểu trong 20 giây để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và virus. Khi bạn đã chà sạch tay với xà bông, dùng nước rửa sạch tay để loại bỏ bụi bẩn, cáu ghét và virus cùng với bọt xà phòng. Khâu cuối cùng là lau khô tay. Tay ướt dễ bị bám virus từ các bề mặt tiếp xúc hơn so với tay khô. Hơn nữa, nếu để tay khô tự nhiên, da tay dễ bị nẻ và đó cũng là môi trường lý tưởng để vi khuẩn bám dính, sinh sôi. Hiện, một số trung tâm thẩm mỹ, nơi công cộng, công sở... sử dụng dung dịch cồn rửa tay không cần nước. Bạn chỉ cần rót một chút lên tay và xoa đều cho đến khi tay bạn khô hẳn. Tuy sản phẩm này có thể diệt vi khuẩn, virus nhưng lại không thể loại bỏ hoàn toàn dị vật, bụi bẩn bám dính trên tay. Vì thế, xà phòng và nước vẫn là lựa chọn hàng đầu./.
Theo tư vấn của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ, bạn nên rửa tay vào một số thời điểm nhất định trong ngày:

- Khi tay bẩn.
- Trước và sau khi nấu và ăn.
- Sau khi đi vệ sinh.
- Sau khi bắt tay với rất nhiều người tại một buổi họp.
- Sau khi ho, hắt hơi hoặc hỉ mũi.
- Trước và sau khi xử lý một vết cắt hoặc vết cào xước.
- Sau khi xử lý rác hoặc phân động vật.
- Trước và sau khi chăm sóc người ốm.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục