EU muốn đưa địa danh vào thỏa thuận về bản quyền

Cuộc tranh cãi về quyền sử dụng các địa danh châu Âu cho một số hãng đồ uống và thực phẩm nổi tiếng hiện vẫn là vấn đề gay cấn.
Cuộc tranh cãi kéo dài lâu nay về quyền sử dụng các địa danh châu Âu như Parma hay Roquefort cho một số hãng sảng xuất đồ uống và thực phẩm nổi tiếng nhất thế giới hiện vẫn là vấn đề gay cấn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế nhằm làm giảm bớt các hành vi sao chép và vi phạm bản quyền.

Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia thành viên muốn thỏa thuận thương mại chống vi phạm bản quyền (ACTA) bao gồm cả những "chỉ dấu địa lý" được đặt tên cho các sản phẩm rượu và thực phẩm theo địa danh cụ thể như Champagne hay Cognac, đều ở nước Pháp.

Tuy nhiên, các nhóm doanh nghiệp Mỹ lo ngại rằng yêu cầu của EU cũng có nghĩa là một số sản phẩm bình thường của Mỹ như pho mát Parma của Kraft cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của thỏa thuận trên vì Parma là tên một địa danh ở Italy.

Với các đề nghị thắt chặt thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cấm sao chép Internet bất hợp pháp, ACTA hiện tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

ACTA sẽ cho phép các nhân viên hải quan của các quốc gia tham gia ký kết tiến hành điều tra nếu họ tin rằng hàng hóa bị làm giả hoặc bị sao chép bất hợp pháp và có thể dẫn đến việc thu giữ hoặc truy tố hình sự.

Australia, Canada, EU, Nhật Bản, Mexico, Morocco, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sỹ và Mỹ đang tham gia vòng đàm phán thứ 10 về ACTA trong tuần này tại Washington. Vòng đàm phán thứ 11 dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tại Nhật Bản.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng các hàng rởm như thuốc và phụ tùng ôtô giả đang làm gia tăng những nguy cơ đối với sức khỏe và độ an toàn, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, và đã bị các nhóm tội phạm có tổ chức khai thác lợi dụng. EU đã trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ giao dịch trên phạm vi toàn thế giới ước tính trị giá hơn 150 tỷ euro (201,3 tỷ USD) mỗi năm.

Tháng trước, sau vòng đàm phán thứ 9 về ACTA, Ủy viên thương mại EU Karel De Gucht đã phàn nàn rằng các nước khác đã không có thiện chí đưa vấn đề "chỉ dấu địa lý" vào thỏa thuận, đồng thời lưu ý đó là việc EU phải làm./.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục