Phát hiện hành tinh mới

Phát hiện 2 hành tinh có kích thước bằng Trái Đất

Chương trình không gian Kepler đã phát hiện 2 hành tinh mới có kích thước tương tự Trái Đất, quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời.
Các nhà thiên văn học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 20/12 thông báo, lần đầu tiên chương trình không gian Kepler đã phát hiện ra hai hành tinh mới có kích thước tương tự Trái Đất, quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời.

Đây là một bước tiến lớn nhất từ trước tới này trong công cuộc khám phá các "ngoại hành tinh."

Theo tạp chí khoa học Nature của Anh, kích thước của hành tinh thứ nhất Kepler-20f chỉ lớn hơn Trái Đất khoảng 3% và hành tinh thứ 2 Kepler-20e lại nhỏ hơn Trái Đất chỉ 13%, nhỏ hơn một chút so với sao Kim.

[Phát hiện 18 hành tinh mới tương đương Mộc tinh]

Các hành tinh được cho là có các thành phần đá tương tự Trái Đất, tuy nhiên chúng lại có quỹ đạo rất gần với sao của chúng. Ngoài ra, cả hai hành tinh thuộc Kepler-20 có mức nhiệt độ rất cao. Ví dụ, Kepler-20f có nhiệt độ bề mặt trung bình là 427 độ C (800 độ F), trong khi Kepler-20e với mức nhiệt là 760 độ C (1.400 độ F), nóng tới mức không thể duy trì sự sống.

Kepler-20 được xem là 2 ngoại hành tinh nhỏ nhất được phát hiện kể từ năm 1995 khi các nhà khoa học chính thức công nhận có sự tồn tại khác của nhiều hành tinh mới ngoài hệ Mặt Trời. Cả hai hành tinh trên đều có khoảng cách quá xa so với Trái Đất, ước tính cách "hành tinh xanh" của chúng ta tới 3.900 năm ánh sáng.

Cho đến nay, chương trình không gian Kepler đã khám phá và lên danh sách gần 2.326 hành tinh có khả năng sẽ là "ngoại hành tinh" trước khi chúng được khẳng định bởi các nghiên cứu kỹ hơn. Gần đây nhất, ngày 5/12, các nhà khoa học cũng đã phát hiện hành tinh Kepler-22b có đường kính lớn gấp 2,4 lần Trái Đất, quay quanh một ngôi sao giống như mặt trời theo một quỹ đạo dài 290 ngày.

Các nhà khoa học NASA cho rằng việc phát hiện thêm hai hành tinh mới này và một loạt các hành tinh khác đã củng cố tiềm năng của chương trình Kepler trong mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất./.

Thúy Lợi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục