6 vấn đề kinh tế 2010

Sáu vấn đề của kinh tế thế giới trong năm 2010

Vẫn còn đó những băn khoăn về độ bền vững của sự phục hồi, đặc biệt là trước 6 vấn đề nổi cộm của kinh tế toàn cầu trong năm 2010.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU), thuộc tạp chí Nhà kinh tế (Anh), mới đây cho rằng kinh tế thế giới bước vào năm 2010 với điều kiện tốt hơn nhiều so với một năm trước.

Những lo ngại về suy thoái đã dịu bớt trước đà phục hồi kinh tế và sự gia tăng mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những băn khoăn về mức độ bền vững của sự phục hồi vẫn còn, đặc biệt là trước 6 vấn đề nổi cộm của kinh tế toàn cầu trong năm 2010.

Các biện pháp kích thích tài chính yếu đi

Gói kích thích tài chính của các chính phủ là yếu tố then chốt đằng sau sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2009. Tuy nhiên, biện pháp này không thể kéo dài vô thời hạn và trong năm 2010, các nền kinh tế cần bắt đầu nghĩ tới việc tách dần khỏi sự hỗ trợ của chính phủ, trong khi nhấn mạnh hơn đến các nguồn lực nội tại khác cho tăng trưởng kinh tế.

Các gói kích thích tài chính sẽ bắt đầu giảm dần và khả năng chi tiêu kích thích cao hơn mức của năm trước là khó xảy ra. Điều này có nghĩa là đa số các nước sẽ thực thi chính sách tài chính thắt chặt, khiến các nền kinh tế khó khăn hơn trong việc duy trì đà phục hồi.

Quá trình tăng lượng hàng tồn trữ sẽ chấm dứt

Trong giai đoạn cuối năm 2008 đầu 2009, khi khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, các công ty đã cắt giảm lượng hàng trong kho để đề phòng nhu cầu yếu hơn. Khi kinh tế bắt đầu phục hồi, các công ty bắt đầu tăng lượng hàng tồn trữ hay ít nhất cũng làm chậm lại tốc độ giảm. Tuy nhiên, điều này tạo ra bức tranh kinh tế toàn cầu tích cực một cách giả tạo.

Những điều chỉnh này có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP nhanh chóng, nhưng chỉ nhất thời. Một khi mức tăng lượng hàng tồn trữ bắt kịp mức tăng nhu cầu, các công ty sẽ ngừng tích thêm hàng và tăng trưởng GDP phải đến từ các nguồn khác. Quá trình này sẽ ngày càng hiện rõ trong năm 2010.

Những lo ngại về tài chính sẽ hiện rõ hơn

Nhiều nước đối mặt với những thách thức lớn về tài chính trong năm 2010. Nợ công của nhiều nước tăng, do chính phủ phải cứu trợ lĩnh vực tư nhân và thực hiện các chương trình kích thích tài chính. Các biện pháp này giúp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính và đẩy lùi suy thoái, song lại đang làm tăng sức ép đối với những chính phủ bắt đầu phải củng cố ngân sách, một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Một số nước như Anh, Ireland và Tây Ban Nha sẽ phải dùng đến các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa việc phải giảm thâm hụt ngân sách với việc phải tiếp tục kích thích các nền kinh tế vẫn còn yếu sẽ là một trong các vấn đề chính của năm 2010.

Nếu chính phủ không thuyết phục được các nhà đầu tư rằng tình hình tài chính của mình ổn định thì có thể lãi suất trái phiếu sẽ tăng mạnh, gây cản trở đối với sự phục hồi kinh tế và làm mất ổn định các thị trường tài chính.

Ngược lại, nếu tăng trưởng kinh tế quá chậm, các chính phủ có thể gặp khó khăn về chính trị khi thực hiện các biện pháp kích thích tài chính cần thiết tiếp theo để duy trì đà hồi phục kinh tế.

Bong bóng tài sản sẽ tiếp tục gây lo ngại

Một trong những mặt trái của chính sách chống khủng hoảng là các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc phá vỡ các bong bóng trước đó như bong bóng trên thị trường nhà ở của Mỹ và châu Âu lại góp phần hình thành các bong bóng mới. Chẳng hạn, việc Mỹ giữ lãi suất đồng USD thấp đã khuyến khích các nhà đầu tư vay đồng tiền này để mua tài sản ở những nơi khác có lãi suất cao hơn.

Điều này thể hiện rõ nhất trong việc thị trường chứng khoán ở các nước đang phát triển tăng mạnh trong năm qua. Sự lên điểm của thị trường chứng khoán cũng phản ánh tâm lý quá lạc quan của các nhà đầu tư về con đường phục hồi kinh tế. Những tác dụng phụ tiềm tàng của chính sách kích thích tiền tệ và tài chính cao độ cũng thể hiện trong các hiện tượng bất thường như bong bóng bất động sản chớm hình thành ở Trung Quốc.

Thất nghiệp vẫn ở mức cao

Mặc dù kinh tế toàn cầu đang phục hồi, song tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn cao ở nhiều nước. Điều này một phần phản ánh thực tế là thất nghiệp thường là chỉ số đi chậm trong vòng tròn kinh tế, khi chủ lao động thường có tâm lý thận trọng trong việc thuê lại lao động khi kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó, thời kỳ cuối năm 2008 đầu 2009, cuộc khủng hoảng khốc liệt tới mức nhiều việc làm bị cắt giảm sẽ không bao giờ phục hồi lại.

Sự phục hồi kinh tế cho đến nay chủ yếu vẫn nhờ các yếu tố tạm thời báo hiệu một triển vọng không mấy vui vẻ cho thị trường lao động trong năm nay. EIU dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở 26 trong 30 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong năm 2010 sẽ cao hơn năm 2009.

Tranh luận về lạm phát và giảm phát sẽ nổi lên

Số liệu về lạm phát sẽ là chủ đề trong các cuộc tranh luận kinh tế năm 2010. Tình trạng lạm phát là dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời là sự cảnh báo về các tác dụng phụ tiềm tàng của chính sách kinh tế.

Vấn đề này phức tạp hơn khi so sánh với năm 2009, khi mức lạm phát thấp do giá dầu giảm. Điều này chắc chắn sẽ đẩy chỉ số lạm phát của hai quý đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm trước lên và dẫn đến việc đánh giá độ tin cậy của các cảnh báo rằng chính sách tiền tệ và tài chính đặc biệt dễ dãi trong năm vừa qua sẽ dẫn đến siêu lạm phát.

Vấn đề thứ hai trong cuộc tranh luận này là liệu suy thoái chỉ tạm thời làm lãng phí hay phá huỷ vĩnh viễn công suất sản xuất. Trong trường hợp thứ nhất, áp lực giảm phát chắc chắn vẫn còn. Trong trường hợp thứ hai, sức ép lạm phát trong tương lai sẽ lớn hơn, vì nguồn cung lao động và vốn sẽ không tương xứng với sự gia tăng nhu cầu. EIU cho rằng khả năng giảm phát vẫn cao hơn so với lạm phát và chính sách tiền tệ đặc biệt nới lỏng có thể được điều chỉnh trước khi áp lực lạm phát tăng quá mức./.

Đình Thư (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục