Nguy cơ tiềm ẩn khi gạo tiêu thụ tăng bất thường

Việc thương lái đẩy mạnh mua gạo với giá cao và số lượng lớn để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang là một dấu hiệu bất thường.
Tại buổi giao ban trực tuyến tháng Bảy do Bộ Công thương tổ chức sáng nay, 9/8, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều điểm đáng chú ý, dù trước tháng Bảy rất khó khăn, nhưng đến cuối tháng này đã “bất ngờ” thay đổi hẳn khi sản xuất ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết bấy nhiêu.

“Song song với việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chủ trương của Chính phủ để giúp tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, thì tư thương cũng đẩy mạnh việc mua gạo với giá cao và số lượng lớn để xuất qua đường tiểu ngạch là một dấu hiệu bất thường,” Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói.

Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng cho thấy, hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo năm 2010 là 6 triệu tấn, tính đến hết tháng Bảy đã giao 4 triệu tấn nhưng nhu cầu ký kết xuất khẩu thì còn vượt xa con số dự kiến.

Kèm theo đó, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã có những dấu hiệu tăng đột biến khi hết tháng Bảy đã đạt gần 600.000 tấn và nhu cầu còn tiếp tục gia tăng thì cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam nhận định, việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo được thực hiện tốt, giúp giải quyết đầu ra cho người nông dân và nâng giá lúa lên từ 400 - 500 đồng/kg, nhưng việc các tư thương vào tận chợ để mua lúa gạo với số lượng lớn và giá cao để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang tiềm ẩn những dấu hiệu phức tạp.

“Điều này có khả năng ảnh hưởng đến an ninh lương thực và Bộ Công thương phải có những đánh giá, kiểm tra và định hướng để xuất khẩu ổn định những tháng cuối năm, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu nguồn gạo trong nước,” ông Huệ cho biết.

Trước tình hình này, Hiệp hội đã họp với 48 doanh nghiệp thu mua lúa gạo và thống nhất tiếp tục mua theo chỉ đạo nhưng cũng tăng cường mua dự trữ để đảm bảo can thiệp thị trường đề phòng giá có biến động , đặc biệt tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo đang diễn biến rất nhanh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ngoài cũng mua gạo của Việt Nam để đem ra thị trường nước ngoài đấu thầu.

“Do vậy, nếu họ trúng thầu thì giá mua gạo trong nước sẽ rẻ và gây thiệt hại lớn cho người nông dân,” ông Chinh phân tích.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo đủ gạo cho xuất khẩu và tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân với mức lãi phù hợp.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, can thiệp kịp thời không để giá gạo có những biến động gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Cũng theo Bộ Công thương, việc tiêu thụ lúa gạo hè thu đã không còn tồn đọng như đầu vụ và giá lúa gạo đã tăng và còn tiếp tục tăng nữa. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc mua vào để hoàn thành kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn trong tháng Tám thay vì tháng Chín./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục