"Hiện đại hóa tuyến đường sắt cũ là không khả thi"

Về đường sắt Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc hiện đại hóa đường sắt cũ không khả thi.
Chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đăng đàn trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh các nhóm vấn đề: Quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, kết cấu hạ tầng giao thông, vấn đề ùn tắc giao thông; tái cơ cấu Vinashin...

Tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Trả lời chất vấn của đại Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về căn cứ pháp lý để tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam , Bộ trưởng dẫn giải: Tại kỳ họp Quốc hội trước, các đại biểu chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam, vì vậy Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo và Bộ Giao thông Vận tải không tiến hành đầu tư đường sắt cao tốc. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc.

Bộ trưởng khẳng định pháp luật cho phép việc này và trên thực tế Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu rất nhiều dự án về đường sắt, đường bộ, và các dự án khác. Với dự án đường sắt cao tốc, Bộ đang nghiên cứu dưới dạng báo cáo khả thi để phục vụ, làm rõ thêm các vấn đề mà báo cáo tiền khả thi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đại biểu nêu về công nghệ, môi trường, hiệu quả dự án huy động vốn.... Bộ trưởng khẳng định việc nghiên cứu dự án là phục vụ cho việc lập quy hoạch.

"Trong nghiên cứu lần này, chúng tôi không nghiên cứu toàn tuyến Bắc- Nam mà nghiên cứu khả thi 1 số dự án như đường sắt trên cao nối dọc vành đai 3 trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài; đoạn đường sắt Hà Nội-Thanh Hóa; Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh" - Bộ trưởng giải trình thêm.

Bộ trưởng khẳng định, tất cả mới chỉ dừng ở nghiên cứu và lập dự án, còn quyết định đầu tư như thế nào thì trên cơ sở nghiên cứu báo cáo, Chính phủ thấy có tính khả thi, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội quyết định.

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) vì sao lại đặt vấn đề tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, Bộ đang xây dựng quy hoạch và rà soát xây dựng quy hoạch về mạng lưới đường sắt trong cả nước nói chung, trong đó có tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Về câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, vì sao không chọn việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có mà lựa chọn xây dựng đường sắt cao tốc, Bộ trưởng cho biết, đường sắt của Việt Nam đã có từ rất lâu, hiện chỉ có thể duy tu bảo dưỡng, để hiện đại hóa lên là bất khả kháng.

Bộ trưởng khẳng định việc hiện đại hóa đường sắt cũ là không khả thi và gây ảnh hưởng tới việc lưu thông hiện tại trên các tuyến đường sắt. Bộ trưởng cho rằng đường sắt Bắc-Nam sẽ phải kết nối với đường sắt đô thị trong tương lai.

Không thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định sự tán thành của mình đối với việc Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu dự án sắt cao tốc, nhưng đại biểu phân tích, hiện tại chúng ta luôn kêu thiếu vốn, nợ nần, làm ăn chưa hiệu quả, trình độ quản lý yếu... Vậy mà khi lựa chọn dự án tối ưu cho việc xây dựng hệ thống đường sắt, chúng ta lại ưu tiên phương án đường sắt cao tốc lên trên đường sắt khác phổ biến hiện nay.

Đại biểu đánh giá, đường cao tốc chỉ dành cho một số người có tiền, nhu cầu đi lại nhanh, còn đường sắt thường mang lại nguồn lợi cho đa số người dân. Đại biểu cho rằng đường sắt thuận lợi nhất cho toàn dân và sự phát triển kinh tế phải có trước, trên cơ sở dó chúng ta từng bước xây dựng phù hợp với trình độ cao hơn để theo kịp thế giới. Đại biểu nhấn mạnh rằng "Chúng tôi không phản đối đường sắt cao tốc mà chỉ muốn tìm một lộ trình thích hợp."

Còn sự chồng chéo trong phối hợp liên ngành

Nói về việc xuất hiện những hố "tử thần" tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng phân tích nguyên nhân của hiện tượng này là do việc tái lập mặt đường chưa đúng quy định, do sự xuống cấp hư hỏng của các công trình ngầm, do cấu tạo địa chất, việc khai thác nước ngầm tùy tiện...

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: hiện Bộ Giao thông Vận tải không làm chủ đầu tư bất cứ công trình nào trong việc xây dựng hạ tầng nội đô thành phố, Bộ chỉ đảm nhận một vài công trình lớn. Trong việc tái lập mặt bằng chưa đạt yêu cầu, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng đã nêu lên trách nhiệm của Bộ trong việc đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng tình với sự phân tích của đại biểu Phạm Phương Thảo (Thành phố Hồ Chí Minh) là có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng dẫn Luật đã phân công việc quản lý kết cấu hạ tầng đô thị thuộc Bộ Xây dựng, trong đó kết cấu hạ tầng có nhiều vấn đề (hạ tầng ngầm, có đường giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước).

Nguyên nhân là do trước giao thông công chính cùng chung một nhiệm vụ, giờ tách giao thông với công chính đã dẫn đến hiện tượng chồng chéo trong quản lý. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu và bàn bạc với Bộ Xây dựng để tìm phương án trình Chính phủ giải quyết những khúc mắc này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) về việc chậm tiến độ các công trình giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận đây là một thực tế do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân về sự phối hợp liên ngành.

Cùng với việc phân tích một số nguyên nhân như việc chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian, trong đó có cả vấn đề về chất lượng tư vấn và chuẩn bị đầu tư; trình độ năng lực của nhà thầu; giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng khẳng định sự phối hợp liên ngành giữa chủ đầu tư, các bộ, ngành liên quan với địa phương chưa tốt là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết về thể chế về luật pháp, nâng cao năng lực nhà thầu... và gần đây nhất, việc ra đời của Nghị định 69 về giải phóng mặt bằng góp phần đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

"Vinashin sẽ có lãi vào năm 2013"


Con số thua lỗ thực tế của Tập đoàn Vinashin, vấn đề tái cơ cấu, việc xử lý trách nhiệm của các bên liên quan… được các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Ngô Minh Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm, chất vấn các thành viên Chính phủ.

Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, theo quyết định của Bộ Chính trị, phương án tái cơ cấu được thực hiện để Vinashin phục hồi, phát triển và tự trả được nợ.

“Nếu không tái cơ cấu thì cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn,” Phó Thủ tướng nói. Việc tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2008 bằng việc thu hồi các khoản vốn đầu tư của Vinashin vào các lĩnh vực khác, cắt giảm từ 185 dự án xuống còn 28 dự án, nhưng chỉ tập trung vào 13 dự án. Đầu 2010 tiếp tục tái cơ cấu bước 2, chuyển ngành vận tải hàng hóa sang Vinalines, một số ngành công nghiệp phụ trợ chuyên dùng cho ngành dầu khí sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ giữ lại lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa tàu và đào tạo công nhân thiết kế kỹ thuật. Hiện Vinashin đang được tái cơ cấu bước 3.

Cung cấp những thông tin về việc tái cơ cấu đến thời điểm này, Phó Thủ tướng khẳng định, tư tưởng của công nhân của Tập đoàn được ổn định, đã tạo quyết tâm mới để khôi phục lại Vinashin, khôi phục lại ngành đóng tàu. Tất cả công nhân của Vinashin đã có việc làm với mức lương bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng, các khoản nợ lương và bảo hiểm đang được trả dần.

Số công nhân làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa trên các con tàu từ thuyền trưởng trở xuống có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, số công nhân chuyển sang ngành dầu khí cũng có lương trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi. 130 con tàu vẫn giữ được hợp đồng, nhờ đó tiếp tục cơ cấu tài chính, giải quyết được các khó khăn. 28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, có nguồn hàng và tiếp tục đóng đủ. 27 con tàu đóng dở dang đã đóng đủ và đều có chủ.

Năm nay, Vinashin sẽ đóng được 66 con tàu và đạt giá trị doanh thu về tàu gần 600 triệu USD, cộng với doanh thu của công nghiệp phụ trợ, Tập đoàn sẽ có doanh thu khoảng 14.000 tỷ đồng. Năm 2011, Vinashin sẽ đàm phán đóng khoảng 110 con tàu.

Trong số 26 tàu được chuyển cho Vinalines, hiện 23 tàu đã đi biển chở hàng và đến cuối năm sẽ có thu nhập khoảng 1.400 tỷ đồng. 3 con tàu còn lại, một tàu đã phá dỡ và bán, một tàu sẽ được sửa chữa, còn tàu Hoa Sen đã được cho thuê lại với doanh thu được 4 triệu USD/năm.

Đối với những băn khoăn của các đại biểu về khả năng trả nợ, Phó Thủ tướng cho rằng, bán được tàu, sản xuất kinh doanh phục hồi, Vinashin sẽ có tiền trả nợ. Đến nay, còn 216 doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu tiếp bằng nhiều phương pháp và sẽ từng bước được tái cơ cấu dưới nhiều hình thức để thu hồi lại vốn. Tất cả số vốn này chiếm khoảng 20% tổng tài sản của Vinashin và chắc chắn sẽ có lời khi được tái cơ cấu.

Còn 80% tài sản và nợ Vinashin đang gánh, nếu thị trường vận tải thế giới phục hồi nhanh, phát triển được, tái cơ cấu tốt, quản trị tốt, làm ăn có hiệu quả, hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đến năm 2012, Vinashin có thể đứng vững và có lãi trở lại vào năm 2013.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các con số tổng tài sản 104.000 tỷ đồng và 86.000 tỷ đồng tiền nợ của Vinashin là con số tính đến cuối tháng 6/2010, cần phải đánh giá chính xác nó theo thị trường và qua kiểm toán, thanh tra.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, cơ quan chức năng đang tích cực điều tra xử lý các vi phạm, những người cố ý làm trái, vi phạm sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. Việc kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ đã và đang được tiến hành, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang chủ trì giúp Bộ Chính trị làm việc này một cách nghiêm túc, công bằng và kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng trả lời ý kiến của các đại biểu về vấn đề xử lý trách nhiệm đối với các nhà thầu trong quá trình thi công để xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông, phân luồng giao thông để giảm tải cho quốc lộ 1A và nâng cao hiệu quả sử dụng đường Hồ Chí Minh, quy hoạch đường ven biển gắn với đê biển để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ quy định phân luồng một số loại xe hoạt động trên tuyến Bắc Nam, đặc biệt là xe tải phải đi theo đường Hồ Chí Minh; đồng thời tiến hành củng cố các tuyến đường ngang nối tiếp, mở rộng và nâng cấp để kết nối với quốc lộ 1A, tạo khả năng lưu thông hơn cho đường Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục