Càng tự hào, càng phải góp sức xây dựng Thủ đô

Theo Bí thư Phạm Quang Nghị, người dân cần góp sức vào việc xây dựng Thủ đô văn minh, vào các sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Nhân dịp đầu năm mới 2010, một năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với thủ đô, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn TTXVN.

Ông đánh giá thế nào về sự đổi mới, chuyển mình trong năm 2009, nhìn tới năm 2010 của Thủ đô Hà Nội?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Kết quả phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân thủ đô trong năm 2009 vừa qua là rất đáng ghi nhớ.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thành phố Hà Nội đã thực hiện được một chủ trương rất quan trọng, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội: Đó là thực hiện chủ trương kích cầu trong đầu tư và tiêu dùng khá thành công, góp phần làm tăng GDP. Tiếp đó, vấn đề an sinh xã hội cũng được bảo đảm, thành phố luôn quan tâm chăm lo những gia đình chính sách, người có công, người thu nhập thấp; đầu tư cho nông thôn, nông dân lớn hơn các năm trước. Đồng thời cũng quan tâm hơn trong việc đầu tư các công trình, các dự án văn hóa… Vấn đề an ninh trật tự của thủ đô cũng được nhân dân ghi nhận đảm bảo tốt, được bạn bè thế giới đánh giá rất cao.

Một chuyển biến rõ nhất của Hà Nội trong năm qua, được dư luận ghi nhận, đó là sự đổi mới mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành thành phố; là sự tập trung, quyết liệt, dứt điểm, dám đối diện những vấn đề lớn, những vấn đề khó, với tinh thần không lùi bước; từ chuyện di dời địa điểm khách sạn SAS, chợ 19/12; tiếp sau xử lý vi phạm trong xây dựng ở Công viên Thủ Lệ, Công viên Tuổi trẻ là xử lý vi phạm của Công ty Yến Long… đều được xử lí cương quyết, dứt khoát. Và hiện nay, Hà Nội đang tuyên chiến với rác thải, ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận còn có những mặt yếu kém như sự năng động vẫn chưa được như mong muốn; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư chưa cao; các sản phẩm chủ lực mới thiên về số lượng, chưa phải là sản phẩm chất lượng cao… Bên cạnh đó là vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường rất đáng quan tâm, tuy không thật trầm trọng nhưng chưa giải quyết được dứt điểm; rồi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh…

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của những yếu kém trên?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Mỗi vấn đề đều có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là thiếu điều kiện cần thiết để giải quyết từng vấn đề. Chủ quan là do thiếu sự chủ động về dự báo quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ mua sắm phương tiện giao thông cá nhân... nên chưa có sự ưu tiên lớn hơn nữa cho đầu tư giao thông để đáp ứng yêu cầu. Đó là chưa kể có những vấn đề quan điểm giải quyết cũng còn rất khác nhau, như chủ trương nhập cư tự do, mua nhà tự do, mua sắm phương tiện giao thông cá nhân không hạn chế trong khi cơ sở hạ tầng của thành phố vươn lên không kịp.

Như ông đã nói, Hà Nội vượt được qua khó khăn vừa qua có nguyên nhân quan trọng là công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố tiếp tục được đổi mới, đặc biệt là sau xử lí các vụ việc “nóng”. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Trước mỗi việc cụ thể, lại là việc khó khăn phức tạp thì không phải không có những băn khoăn: Liệu có khả thi không? Có thành công không?. Vấn đề là phải suy nghĩ xem làm như thế nào, có làm được hay không và sau đó là có dám làm hay không?. Nhiều khi do quyết tâm không đủ cao, chúng ta cứ sợ không đủ lực, rồi không biết có tạo được sự ủng hộ của dư luận hay không. Nhưng thực tế qua việc giải quyết các vụ việc cho thấy, các nguồn lực, sự mong muốn của dân là rất lớn, những người đồng tình ủng hộ cũng rất nhiều, nhưng cũng có người cản trở.

Chẳng hạn như trước khi có quyết định giải tỏa, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép của Công ty Yến Long cũng có không ít người muốn cản trở nhưng thành phố đã quyết tâm làm. Hay nói ngay như việc nạo vét bùn Hồ Gươm, có biết bao nhiêu băn khoăn xoay quanh chuyện “nạo vét” và “không nạo nét”, hay “nạo vét như thế nào”. Nhưng thành phố quyết tâm làm và đã làm thí điểm thành công. Từ đó có thể rút ra một điều, khi thấy điều gì đúng, có lợi cho cái chung thì phải dám làm và quyết làm, chứ những việc phát sinh vừa qua không có việc nào là đơn giản cả.

Bên cạnh những thành tựu thì thành phố cũng còn có những yếu kém như ông nói. Vậy trong thời gian tới, những việc này sẽ được giải quyết như thế nào?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Tôi muốn nêu lại một vụ việc cụ thể như vụ chặt trộm cây sưa chẳng hạn. Dù có người cho vụ việc này không lớn, nhưng tôi nghĩ, vấn đề là ở chỗ phải lập lại trật tự, kỉ cương; xử lí những người phá hoại thì phải quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao. Từ đó, tôi đặt câu hỏi, có những vụ giết người bịt đầu mối, khó khăn phức tạp là thế mà công an vẫn tìm ra thì tại sao cái việc chặt trộm cây, công an lại không tìm ra được. Thực tế đã chứng minh đúng như vậy, sau khi có ý kiến chỉ đạo, chỉ một hai ngày sau công an đã tìm ra thủ phạm.

Từ những việc cụ thể này cho thấy, nếu không quyết liệt, không có ý thức, tinh thần trách nhiệm trước xã hội mà mình cho qua thì đúng là vụ việc cũng qua và cuối cùng sẽ khép lại, nhưng như thế là mình không làm tròn trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội , ông có ý kiến gì về việc xây dựng nếp sống văn hóa của thủ đô?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Những công trình xây dựng còn có mốc thời gian, còn có thể tăng thêm vốn, nhập thiết bị, bổ sung thêm nhân công để hoàn thành trước thời hạn. Nhưng để xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự là cả một quá trình lâu dài, vừa phải kiên trì, đòi hỏi phải có sự tham gia một cách tự nguyện, tự giác của tất cả mọi người mới thành công được; chứ nếu chỉ có sự cố gắng của một giới, một ngành, của một số người thôi, còn một số khác không tham gia, không hưởng ứng, thậm chí làm ngược lại thì sẽ không đem lại chuyển biến rõ nét trong đời sống văn hóa, tinh thần của thủ đô.

Muốn làm việc đó, phải kêu gọi tất cả mọi người hưởng ứng. Hiện nay cả nước đang thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Với Hà Nội còn có phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Trên cơ cở đó, từng giới, từng ngành cũng phải có những phong trào riêng; rồi tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục…

Cha ông ta từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”; vậy thời gian qua Hà Nội đã thực hiện việc thu hút nhân tài như thế nào, thưa ông?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện chủ trương thu hút nhân tài, đầu tiên là ghi danh bảng vàng tôn vinh những người học hành có thành tích cao, sau đó là mọi học sinh đỗ thủ khoa đều được tiếp nhận vào các cơ quan làm việc. Tuy nhiên, chủ trương ghi danh không có trở ngại gì; nhưng về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thì gặp khó khăn vì không có chế độ chính sách đi kèm. Việc trả lương, thu nhập bị hạn chế bởi các qui định chung nên số thủ khoa sau khi tiếp nhận cũng chỉ có khoảng 30% ở lại làm việc trong cơ quan, còn sau đó một vài tháng họ tìm được cơ hội làm việc ở ngoài được trả lương cao hơn nên đã ra đi.

Xin ông cho biết, thành phố sẽ tham gia, đóng góp những gì trong việc xây dựng quy hoạch chung của Hà Nội?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Vấn đề quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Hà Nội, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính. Đó là một đòi hỏi không những khẩn trương mà hết sức quan trọng, nó quyết định tính chất bền vững, văn minh, hiện đại của thủ đô. Hiện nay Hà Nội đang được Chính phủ giao cho là đơn vị chủ yếu cùng với Bộ Xây dựng xây dựng quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội; đến nay đã báo cáo với Chính phủ lần thứ 3 và kế hoạch sẽ phấn đấu để kịp trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2010.

Nhưng vấn đề mọi người quan tâm là chất lượng quy hoạch đó như thế nào. Vấn đề này phụ thuộc vào 2 yếu tố rất quan trọng: Một là phải huy động được sự tham gia đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia của đất nước chứ không chỉ riêng các cơ quan của Hà Nội và Bộ Xây dựng; hai là tới đây phải tổ chức trưng bày triển lãm quy hoạch công khai cho các tầng lớp nhân dân tới xem góp ý kiến. Nói tóm lại, phải huy động trí tuệ, kinh nghiệm của cả đất nước để xây dựng quy hoạch này.

Năm 2010, thành phố sẽ tổ chức Đại hội Đảng các cấp; tiêu chí của thành phố đề ra như thế nào để bộ máy thật sự tinh gọn, thật sự chất lượng để có thể đảm đương rất nhiều công việc trong thời gian tới?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Hà Nội đang rất tích cực chuẩn bị để tổ chức đại hội Đảng các cấp, vừa bảo đảm đúng tiến độ vừa bảo đảm đạt yêu cầu cao nhất về chất lượng. Cụ thể về chất lượng, các văn kiện phải đề ra được những chủ trương, biện pháp, quyết sách đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong muốn của nhân dân. Phải nêu lên được cần làm những gì và làm như thế nào; thứ hai là những người chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, tôi nghĩ đó phải là những con người tích cực, hăng hái, nhiệt tình, sáng tạo nhất.

Đồng thời, phải phát huy tối đa dân chủ, từ việc xây dựng chủ trương đường lối cho đến việc lựa chọn cán bộ. Đặc biệt, dân chủ nội bộ phải được phát huy cao độ. Đại biểu nào có sáng kiến gì hay nhằm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong Đảng thì phải hết sức ủng hộ.

Với cương vị một người đứng đầu thủ đô của cả nước, ông có suy nghĩ gì trước thềm Xuân mới, trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Trước những việc lớn, việc khó như vậy, đòi hỏi phải có sự đồng tâm hiệp lực, phải huy động được trí tuệ và sự hưởng ứng của mọi người chứ nếu chỉ một ít người thì không thể đạt được kết quả. Do đó, tôi mong muốn tất cả mọi người, càng tự hào với thủ đô bao nhiêu, tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến bao nhiêu thì càng phải đặt ra cho mình trách nhiệm tham gia góp sức vào việc xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại bấy nhiêu, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội bấy nhiêu.

Trân trọng cảm ơn Bí thư./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục