Đòi lại thương hiệu càphê

Kiên quyết đòi lại thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột

Tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng đang tiến hành đòi lại tên Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc xâm phạm nhãn hiệu.
Sản phẩm càphê Đắk Lắk nói chung và càphê Buôn Ma Thuột nói riêng lâu nay được đánh giá là càphê có chất lượng cao với hương vị đặc trưng nổi tiếng trong, ngoài nước và đã xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thế nhưng, mới đây tên địa danh “Buôn Ma Thuột” đã bị một doanh nghiệp ở Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột và bảo hộ tại Trung Quốc.

Ngày 14/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết theo phát hiện của Công ty tư vấn sở hữu công nghiệp Bross & Partners của Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội thì nhãn hiệu càphê “Buon Ma Thuot”, cả tiếng Latinh lẫn tiếng Trung, do một chủ sở hữu có trụ sở tại Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bảo hộ và được cấp chứng nhận bảo hộ số bằng: 7970830, nhóm sản phẩm 30.

Hiệu lực văn bằng 10 năm, kể từ ngày 14/11/2010 đến 13/11/2020. Hiện nay, chủ sở hữu này đang tiếp tục nộp đơn để bảo hộ logo “BUON MA THUOT COFFEE - 1896.”

Cũng theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền này của doanh nghiệp Trung Quốc không những gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý Buôn Ma Thuột gắn liền với sản phẩm càphê nổi tiếng mà còn có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu càphê từ Việt Nam, có tên gọi xuất xứ Buôn Ma Thuột vào thị trường Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển thương hiệu càphê nổi tiếng của Đắk Lắk.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk cùng với các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành các bước để đòi lại tên Buôn Ma Thuột đã bị doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm nhãn hiệu.

Từ năm 2005, tỉnh Đắk Lắk đã xác lập hồ sơ bảo hộ Tên gọi xuất xứ càphê Buôn Ma Thuột (nay là chỉ dẫn địa lý) và được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Chứng nhận đăng bạ số 0004, theo Quyết định số 806/QĐ-SHTT ngày 14/10/2005, công nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm càphê nhân Robusta.

Chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam là tài sản của quốc gia, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk là chủ sở hữu, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Ủy ban Nhân dân tỉnh ủy quyền quản lý, cấp quyền sử dụng. Chỉ dẫn địa lý hiện đang được Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột tiến hành xem xét, cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh càphê trong vùng địa danh đủ điều kiện để phát triển.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất càphê nhân mang thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột phải nằm trong vùng địa danh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ, gồm các vùng Cư M’Gar, Ea H’Leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông, Krông Năng, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh càphê trên địa bàn tỉnh, gồm Công ty càphê Buôn Hồ, Phước An, Tháng 10, Ea Pốk, Thắng Lợi, Công ty càphê 2-9, Công ty càphê 15, Công ty xuất nhập khẩu càphê tỉnh Đắk Lắk được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma thuột cho sản phẩm càphê nhân Robusta, với tổng diện tích trên 8.852 ha và tổng sản lượng càphê nhân đạt từ 26.047 tấn mỗi năm trở lên.

Đây là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh càphê đáp ứng các tiêu chí sản xuất càphê có trách nhiệm, có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có uy tín trong xuất khẩu càphê trên thế giới. Sản phẩm càphê có chứng chỉ của các doanh nghiệp này được cung cấp trực tiếp đến với các nhà rang xay hàng đầu trên thế giới, với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 191.000 ha càphê, mỗi năm xuất khẩu 400.000 tấn càphê nhân, chiếm gần 40% sản lượng càphê của cả nước, mang lại nguồn ngoại tệ trên 600 triệu USD, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập khá cho hàng chục vạn lao động./.

Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục