Thông qua nghị quyết cụ thể hóa xây dựng Thủ đô

Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã bế mạc, với việc thông qua các nghị quyết quan trọng, cụ thể hóa xây dựng Thủ đô.
Sáng 5/4, kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV đã bế mạc sau 2,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả.

Các đại biểu đã thảo luận, thông qua các nghị quyết quan trọng về quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, y tế, giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đây là bước cụ thể hóa Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt. Những nghị quyết chuyên đề được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua là cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo tiếp thu, giải trình và nhấn mạnh các giải pháp quan trọng để triển khai các quy hoạch trên.

Cụ thể, nông nghiệp Thủ đô được định hướng trong Quy hoạch phát triển nông nghiệp là phát triển nền nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao, hài hòa và bền vững với môi trường; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến gắn với giết mổ, chế biến công nghiệp tập trung phục vụ thị trường Thủ đô, trong nước và xuất khẩu.

Để thực hiện quy hoạch này, ngoài việc tập trung nguồn lực, nhất là vốn, thành phố đã trình Hội đồng nhân dân thành phố một số chính sách hỗ trợ trước mắt nhằm khuyến khích dồn điền, đổi thửa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Về quy hoạch phát triển công nghiệp, Hà Nội sẽ tập trung phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm.

Thành phố khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí, điện tử… tạo thành mạng lưới vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn.

Về quy hoạch thương mại, thành phố tiếp tục giữ vai trò trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch lớn, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là các dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao; đồng thời tập trung cải tạo, cấu trúc lại hệ thống bán lẻ.

Điểm nhấn trong quy hoạch phát triển thương mại là xây dựng Hà Nội thành trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn, thiết lập, củng cố phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại.

Hà Nội quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục với mục tiêu là xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô cả về quy mô và chất lượng, đồng thời tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Thành phố xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển nền kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa Thủ đô và đất nước.

Về quy hoạch phát triển hệ thống y tế, cùng với phát triển hệ thống y tế hoàn chỉnh vừa phổ cập, vừa chuyên sâu đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Hà Nội sẽ củng cố và nâng cấp toàn bộ hệ thống y tế cơ sở, phấn đấu mọi người được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Trong tương lai, Hà Nội là trung tâm công nghệ cao về y học của cả nước, phấn đấu bằng và vượt các nước trong khu vực về chất lượng, trình độ, kỹ thuật.

Các đô thị vệ tinh và các huyện ngoại thành sẽ được đầu tư xây dựng các cụm trung tâm y tế đa khoa, những tổ hợp nghiên cứu khám chữa bệnh có tầm cỡ quốc tế.

Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, cùng với việc xác định các trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá, các quy hoạch trên đều đưa ra các danh mục, các chương trình, dự án ưu tiên; nhu cầu về nguồn lực, nhất là đất đai, dự toán kinh phí đầu tư, phân kỳ đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn.

Ngoài việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực như đất đai, ngân sách nhà nước, thành phố sẽ xây dựng các cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn vốn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào hệ thống hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút tối đa các nguồn vốn xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

“Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, giải pháp quan trọng nhất đó là huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội," ông Thảo nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, để mỗi nghị quyết khi được ban hành có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và mong đợi của người dân Thủ đô, Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch, đề án, đồng thời khẩn trương tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết đã được ban hành, sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống một cách có hiệu quả nhất./.

Thanh Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục