Binh sỹ nổi loạn tấn công dinh tổng thống tại Mali

Binh biến đã nổ ra tại thủ đô khi các binh sỹ nổi loạn tấn công dinh tổng thống sau khi chiếm trụ sở đài phát thanh và truyền hình.
Ngày 21/3, binh biến đã nổ ra tại thủ đô Bamako của Mali khi các binh sỹ nổi loạn tấn công dinh tổng thống sau khi chiếm trụ sở đài phát thanh và truyền hình quốc gia.

Theo thông báo phát trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia, một sỹ quan tham gia cuộc binh biến sẽ có bài phát biểu phát sóng toàn quốc về diễn biến tình hình.

Hiện chưa có thông tin nào từ Phủ tổng thống, song một số thông báo trên mạng xã hội Twitter nói rằng đây không phải là âm mưu đảo chính. Một cố vấn của Tổng thống Amađu Amadou Toumani Toure cho biết người đứng đầu đất nước đã được bảo vệ ở một nơi an toàn. Các nguồn tin ngoại giao tại Bamako xác nhận đấu súng vẫn diễn ra tại khu vực dinh tổng thống.

Trong nhiều tuần qua, việc chính phủ từ chối cung cấp thêm vũ khí cho binh lính để đối phó với phong trào đòi độc lập của cộng đồng Tuareg ở miền Bắc, đã khiến các binh sỹ nổi giận. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, song theo các nguồn thạo tin, nhiều binh sỹ đã thiệt mạng hoặc bỏ trốn do không thể để đối đầu với lực lượng của người Tuareg.

Cuộc binh biến đã được châm ngòi sau khi Bộ trưởng quốc phòng mới được bổ nhiệm Sadio Gassama bị binh lính phản đối dữ dội trong chuyến thị sát một doanh trại quân đội cách thủ đô 15km. Binh lính nổi loạn đã tràn vào thủ đô, bắn chỉ thiên và đòi lật đổ tổng thống.

Tình hình căng thẳng đã khiến Liên hợp quốc, Pháp và Mỹ đã bày tỏ quan ngại và báo động nguy cơ sự việc sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên bình tĩnh và tôn trọng hiến pháp. Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập cuộc họp về tình hình Mali trong ngày 22/3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland yêu cầu các công dân Mỹ tại Mali không rời khỏi nơi cư trú, đồng thời đề nghị các bên tại quốc gia này tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại.

Xung đột vũ trang đã bùng phát ở miền Bắc Mali kể từ khi người Tuareg đòi độc lập, khiến hàng trăm nghìn người Mali phải chạy sang các nước láng giềng để lánh nạn. Cộng đồng Tuareg có khoảng 1,5 triệu người là các bộ lạc du mục cư trú rải rác tại nhiều quốc gia gồm Algeria, Burkina Faso, Libya, Niger và Mali. Trong số các quốc gia này, Mali và Niger là hai quốc gia thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột của người Tuareg đòi thành lập nhà nước độc lập trong hàng chục năm qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục