Các chuyên gia địa chất nói về sụt đất ở Mộ Đức

Các chuyên gia địa chất nhận định, hiện tượng sụt đất tạo thành hố sâu, gây hoang mang ở Mộ Đức là do hoạt động kiến tạo địa chất.
Như Vietnam+ đưa tin, 25 hộ dân sinh sống khu dân cư số 14, tổ dân phố 3 của thị trấn Mộ Đức (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) những ngày này đang sống trong lo lắng bởi hiện tượng nứt đất chưa từng xảy ra trong quá khứ.

Vết nứt này chạy dài hơn 5m, có chiều sâu tới hơn 8m.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, tiến sĩ Doãn Đình Lâm (Trưởng phòng Trầm tích, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phỏng đoán, hiện tượng nứt sụt đất này từng xảy ra nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là một dạng tai biến địa chất, liên quan đến hoạt động kiến tạo hiện đại và bản thân các thành tạo địa chất.

Theo ông Lâm, khi các đứt gãy kiến tạo hoạt động sẽ xảy ra hiện tượng chuyển động của các khối đất đá liên quan. Ngoài ra, tính chất cơ lý liên quan đến thành phần đất đá của các thành tạo địa chất trên bề mặt cũng giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các khe nứt.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đản nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình cho hay, hiện tượng này xảy ra có khả năng liên quan tới chuyển động của vỏ trái đất khi có hoạt động kiến tạo mới.

Đồng tình, phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam bổ sung, tại các vùng núi của Quảng Ngãi từng xảy ra nhiều trượt lở liên quan đến hoạt động kiến tạo.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra giả định khả năng vết nứt nói trên có liên quan tới hiện tượng dưới lòng đất có “ụ muối” (chứa vật liệu hút nước). Khi “ụ muối” này ngấm nước sẽ trương phình ra và gây nứt bề mặt.

Do địa hình của thị trấn Mộ Đức là đồng bằng, nên hiện tượng lún sụt do hoạt động của hang Karst (hang đá vôi) đã được loại bỏ.

Các chuyên gia khuyến cáo các cơ quan chức năng địa phương cần xem xét và theo dõi những hố lún sụt này có tiếp tục phát triển hay không để có phương pháp xử lý kịp thời. Cần tổ chức di dời những hộ dân gần khu lún sụt để đề phòng các sự cố tai biến xảy ra với quy mô lớn.

Ngoài ra, để có thể tìm được câu trả lời chính xác giải đáp nguyên nhân, quy mô và dự báo của khu vực Mộ Đức thì cần phải tiến hành nghiên cứu tại hiện trường, tiến hành đo đạc các thông số địa chất, địa hóa...

Ông Lâm cũng cho biết, Viện Địa chất - cơ quan chuyên nghiên cứu về các dạng tai biến địa chất - sẵn sàng cử cán bộ tham gia khảo sát, nghiên cứu hiện tượng tai biến này tại địa phương nếu có yêu cầu./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục