Nâng kiến thức cho người trồng ca cao Việt Nam

Việt Nam hiện có khoảng 12.000ha ca cao, tập trung ở các tỉnh Đắk Lắk, Bến Tre, Bà Rịa -Vùng Tàu, với sản lượng 1.000 tấn hạt chế biến.
Một cuộc hội thảo về phát triển ca cao đã được tổ chức tại Đà Lạt ngày 10/12 nhằm định hướng và tập huấn kiến thức, công nghệ về trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch sản phẩm này cho nông dân.

Hội thảo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng  phối họp với Tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ phát triển nông nghiệp Hoa Kỳ (ACDI/VOCA) tổ chức.

Theo đại diện Công ty thu mua, chế biến ca cao Cargill Việt Nam, nông dân trồng ca cao ở Việt Nam có thói quen thu hoạch trái xanh, trữ sản phẩm không đúng quy trình nên trái dễ bị thối, ảnh hưởng đến chất lượng ca cao.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do người trồng ca cao tại Việt Nam thiếu kiến thức về công nghệ sơ chế sau thu hoạch, chưa có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm khi thu hoạch.

Việt Nam hiện có khoảng 12.000ha ca cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Bến Tre, Bà Rịa -Vùng Tàu, với sản lượng khoảng 1.000 tấn hạt.

Sản phẩm ca cao Việt Nam hiện mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường thế giới và dự kiến phải đến năm 2020 mới chiếm được khoảng 2% tổng sản lượng ca cao toàn thế giới.

Trong khi đó, cũng theo đại diện Cargill Việt Nam, năm 2010, thế giới sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn nguyên liệu ca cao và xu hướng thiếu này còn có thể kéo dài nhiều năm tiếp theo. Đây là cơ hội tốt để đẩy nhanh dự án phát triển cây ca cao tại Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, để đảm bảo gia nhập bền vững thị trường ca cao thế giới, Việt Nam cần chú trọng nâng cao kiến thức, công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho nông dân, song song với việc mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng loại cây trồng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục