Nhật Bản giúp Việt Nam phát hiện sớm bệnh ung thư

Ngày 26/8, các cơ quan y tế Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức hội thảo bàn về phát hiện sớm ung thư và hợp tác điều trị căn bệnh này.
Ngày 26/8/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Thành tựu y tế xuất sắc của Nhật Bản-Mối quan hệ hợp tác Nhật Bản-Việt Nam" do Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Cơ quan y tế công nghệ cao Nhật Bản-Medical Excellence Japan (MEJ) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.

Đây là hội thảo y tế lần đầu tiên được tổ chức với sự kết hợp giữa chính phủ và các cơ quan tư nhân của hai nước Việt Nam-Nhật Bản giới thiệu về bệnh ung thư và giải pháp đối phó với các căn bệnh trong lối sống hàng ngày, các phương pháp khám và chữa bệnh hiện đại nhất trên thế giới-niềm tự hào của Nhật Bản.

Phát biểu tại hội thảo, bác sỹ Phạm Văn Thái, Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh ung thư đang gia tặng mạnh mẽ ở Việt Nam với tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới (chiếm 73,5%). Ở nam giới, ung thư phổi và gan chiếm tỷ lệ cao nhất, còn ở nữ chủ yếu là ung thư cổ tử cung và vú. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong cao do ung thư tại Việt Nam chủ yếu vẫn là khó phát hiện bệnh sớm.

Nhận định về tình hình điều trị ung thư tại Việt Nam, Giáo sư Hidemi Goto, Phó Hiệu trưởng Đại học Nagoya kiêm Chủ tịch Khoa Tiêu hóa và Gan, Đại học Nagoy cho biết: “Khó khăn nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam là việc phát hiện bệnh quá muộn, hầu hết ở giai đoạn cuối, cận cuối khiến cho việc chữa bệnh trở nên khó khăn và các y bác sỹ chưa nâng cao được tay nghề cũng như việc sử dụng thuần thục các công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh. Bác sỹ tại Việt Nam rất giỏi, nhiệt tình, ham học nhưng tiếc là số lượng còn quá ít. Máy móc hiện đại cũng tập trung tại một số bệnh viện lớn khiến lượng bệnh nhân quá tải. Trong 2 năm hợp tác sắp tới, tôi hy vọng có thể giúp các bác sỹ Việt Nam cải thiện được tình hình.”

Ông Hidemi Goto còn nhấn mạnh, việc thay đổi thói quen của người Việt Nam trong việc đi khám sức khỏe định kỳ tối thiểu một lần/năm cũng là điều quan trọng. Các xét nghiệm định kỳ sẽ giúp các bác sỹ phát hiện sớm dấu hiệu ung thư của người bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sỹ có chuyên môn ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, khiến việc khám chữa diễn ra chậm và gây cho bệnh nhân tâm lý ngại đi khám.

Bên cạnh đó, yếu tố khoa học kỹ thuật cũng đang là một trở ngại đối với các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam. Hầu hết, các loại máy tân tiến điều trị ung thư đều tập trung tại các bệnh viện trung ương khiến bệnh nhân khó khăn trong việc tiếp cận của bệnh nhân.

Trước vấn đề này này, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Lê Tuấn-Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn việc hợp tác lâu dài với Nhật Bản trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ giúp phát triển và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đặc biệt là trong việc phòng và chống bệnh ung thư.

Trong dịp này, dự án được chọn mang cấp quốc gia là chương trình hợp tác đào tạo nhân lực, giao lưu học hỏi giữa các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học Y dược Nagoya và các y bác sỹ tại Việt Nam. Theo đó, Nhật Bản sẽ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn 6 tháng, cử các chuyên gia sang làm việc với phương châm “Hợp tác toàn diện” để nâng cao tay nghề và nhân rộng đội ngũ y bác sỹ.

Về phía Nhật Bản, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam-ông Yasuaki Tanizaki nhận định, Việt Nam có sự nỗ lực lớn trong cải thiện tuổi thọ thêm 10 năm kể từ năm 1990, tình hình kinh tế-xã hội ổn định, có sự tăng trưởng tốt và trong năm nay, Nhật Bản đã ký kết hỗ trợ 200 tỷ yên vốn ODA phục vụ chủ yếu cho phát triển y tế và giáo dục ở Việt Nam. Ông khẳng định năm nay sẽ là năm chủ đạo hợp tác y tế giữa hai nước.

Cũng tại hội thảo, các nhà sản xuất thiết bị y tế hàng đầu của Nhật Bản như: Tập đoàn Fujifilm, Hitachi, Konica Minolta, Mitsubishi, Nihon Kohden, Olympus Medical Systems và Toshiba Medical Systems, cũng đã giới thiệu những công nghệ mới trong khám và chữa bệnh ung thư./.

Nguyên Quỳnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục