Khai mạc phiên họp 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong ngày khai mạc phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai luật Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.
Ngày 6/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc  phiên họp thứ 31 với việc cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và việc bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản là hai nội dung được các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đồng tình nếu Quốc hội chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm sẽ không phù hợp với việc quy định về thẩm quyền Quốc hội là quyết định các chỉ tiêu kinh tế, xã hội hàng năm do định hướng là một khái niệm rất chung.

Các đại biểu trên cũng cho rằng, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng, cần phải được xác định cụ thể. Do vậy, đề nghị cần quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) được xây dựng với mục đích áp dụng lâu dài chứ không chỉ để điều chỉnh cho một thời kỳ bất thường. Do đó cần tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp và cốt lõi là để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của nhà nước về tiền tệ quốc gia.

Điều 4 của Dự thảo Luật về thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia sẽ được chỉnh lý theo hướng: Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Chủ tịch nước thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định trong việc đàm phán, ký kết, tham gia, phê chuẩn điều ước quốc tế về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Thủ tướng và thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia mà Quốc hội đã quyết định.

Liên quan đến vấn đề lãi suất cơ bản, theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), hiện có 2 loại ý kiến.

Thứ nhất, không quy định về lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ chính sách như: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn...Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện chính sách lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách quy định lãi suất cụ thể để cho các tổ chức tín dụng thực hiện.

Thứ hai, cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác.

Một số ý kiến cho rằng, lãi suất cơ bản là vấn đề quan trọng, nếu xóa bỏ, có thể dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay gây rối loạn thị trường, đẩy người dân và doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, không kiểm soát được tình trạng cho vay lãi nặng của các tổ chức tín dụng và vay lãi nặng trong dân cư. Mặt khác, thiếu thống nhất, mâu thuẫn với quy định trong Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần làm rõ thêm về “lãi suất cơ bản”; nếu cần thiết sẽ mạnh dạn xóa bỏ, nếu thật sự không có vai trò trong thực tế, không nên sửa đổi một cách nửa vời. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần hiểu đúng và thực chất về lãi suất cơ bản, không phải chỉ có một loại và một mức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 3, Điều 13 "Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng."

Theo nhiều ý kiến, quy định này có thể dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, công bằng khi lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố không có ý nghĩa đối với các tổ chức tín dụng và có thể xảy ra trường hợp, người cho vay với lãi suất thấp hơn thì bị coi là “cho vay nặng lãi,” còn ngân hàng cho vay với lãi suất cao hơn thì lại được coi là bình thường.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào ba vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bao gồm Giới hạn sở hữu cổ phần; việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác; quy định việc cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục