Ưu tiên tối đa giảm nhập siêu và đảm bảo đủ điện

Mục tiêu đặt ra của ngành công thương là giảm nhập siêu xuống còn 9,8% vào năm 2015 và trong mọi tình huống phải cung cấp đủ điện.
Thách thức lớn nhất trong 5 năm tới đối với ngành công thương là đảm bảo an ninh năng lượng và giảm nhập siêu xuống dưới 1 con số.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về kế hoạch 2012-2015 của Bộ Công thương, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm làm rõ những yêu cầu này.

Không để thiếu điện trong mọi tình huống

Theo báo cáo của ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), mặc dù ưu tiên tối đa cho nhu cầu trong nước, nhưng đến giai đoạn 2015-2016 thì chắc chắn phải nhập khẩu than cho sản xuất điện.

Trong khi đó, ngành dầu khí cũng phân trần việc cung cấp khi cho các nhà máy nhiệt điện dự tính sẽ thiếu khoảng trên 800 triệu mét khối vào năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho hay, từ năm 2012 PVN sẽ giảm sản lượng khai thác dầu thô trong nước và hướng tới việc đầu tư ra nước ngoài, với sản lượng thu về khoảng 1,1 triệu tấn/năm.

Theo tính toán của EVN, năm 2012 sản lượng điện trên toàn hệ thống sẽ tăng 11,2% đạt 121 tỷ 700 triệu kwh, riêng điện mùa khô đạt 618 tỷ kwh.

Thực tế này khiến Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, ông Phạm Lê Thanh tỏ ra lo lắng về “trục trặc nhỏ” trong việc cung cấp khi sẽ khiến ngành điện đứng trước nguy cơ thiếu vốn vì phải đổ dầu giá cao để chạy bù, dẫn đến sự cố về cấp điện là khó tránh khỏi.

Cũng theo ông Phạm Lê Thanh, giai đoạn từ 2011-2015 với mức tăng GDP từ 6,5% đến 7% thì EVN đã đưa ra 2 phương án tăng trưởng điện là 13% và 15%. Ở mức13% thì sản lượng điện trên toàn hệ thống đến 2015 sẽ đạt 178 tỷ kwh và với phương án này EVN hoàn toàn có thể cung ứng đủ điện.

"Nhưng ngược lại với phương án tăng trưởng điện là 15% thì việc cung ứng điện sẽ căng thẳng hơn nhiều và EVN sẽ phải đổ dầu để phát điện, trung bình mỗi năm từ 1,2-1,5 tỷ kwh và việc thiếu điện cũng sẽ hiện hữu," ông Thanh cho hay.

Trước những ý kiến trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cân bằng năng lượng luôn là thách thức với sự phát triển của kinh tế và chúng ta luôn đối mặt với bài toán thiếu năng lượng và cả hai tập đoàn EVN và PVN phải cam kết cung cấp, không được thiếu năng lượng.

Nhìn về mức độ thay đổi công nghệ và hiệu suất về tiêu thụ năng lượng còn quá cao, năm nay dù thu hẹp hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/tăng trưởng GDP từ 2.0 lần xuống 1,62 lần, nhưng việc tiêu thụ điện vẫn lãng phí.

Nhưng trong bất kỳ tình huống nào thì hai tập đoàn EVN và PVN phải cam kết hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung của đất nước và không để xảy ra thiếu điện.

“Điện hạt nhân trong 5 năm tới phải khởi công được 2 dự án, với khối lượng công việc nhiều như vậy thì phải chuẩn bị đào tạo con người, hành lang pháp và điều kiện thi công sao cho an toàn nhất,” Phó thủ tướng nói.

Giảm nhập siêu xuống dưới 1 con số

Theo đánh giá chung thì bức tranh kinh tế thế giới trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, nhất là những thị trường chủ lực của Việt Nam đều bị giảm sút.

Mục tiêu của ngành công thương đặt ra là từ năm 2012 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12,1%/năm và phấn đầu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 133 tỷ USD.

Trong đó, nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 13,5 tỷ USD; nhóm công nghiệp chế biến là 86 tỷ USD; nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 21 tỷ USD và nhóm hàng hóa khác là 12,5 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm, dự kiến khoảng 146 tỷ USD vào năm 2015. Như vậy nhập siêu năm 2015 khoảng 9,8% so với kim ngạch xuất khẩu.

Để thực hiện việc này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp ý, cần có sự phối hợp tốt giữa liên bộ công thương và nông nghiệp để đẩy giá trị mặt hàng công nghiệp chế biến từ 40%-50% vào năm 2012 lên 70% vào 2015.

Bên cạnh đó, để giảm nhập khẩu, đại diện Bộ tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương quản lý chặt các thiết bị nhập khẩu như Thép, máy móc thiết bị... đồng thời giám sát chặt chẽ khâu cấp phép đối với các dự án Thép và thủy điện nhỏ.

Hơn nữa, việc tạm nhập tái xuất cũng cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và lực lượng quản lý thị trường các cấp nhằm tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp tạm nhập hàng nhưng không gia công chế biến lại gắn mác “Made in VietNam” để gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu ngành công thương cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng chuyển dịch sang các thị trường có thế mạnh như châu Âu và Mỹ.

Về nhập siêu, Phó thủ tướng cũng lưu ý đến việc ưu tiên sử dụng các máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được, bởi riêng năm 2010 ngành cơ khí trong nước đã xuất khẩu được trên 5 tỷ USD chất lượng không thua kém hàng nhập.

“Thị trường mở ra mạnh nhưng các doanh nghiệp chưa tận dụng hết các cơ hội này, do vậy tận dụng tốt các FTA và hiệp định thương mại song phương sẽ đẩy mạnh việc đưa hàng hóa ra bên ngoài,” Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục