Kỳ vọng thưởng Tết?

Người lao động có nên kỳ vọng vào thưởng Tết?

Nhiều người dự báo mức thưởng Tết năm nay sẽ tăng, nhưng là so với một năm 2008 đầy khó khăn, và người lao động nên chia sẻ với DN.
Như thường lệ, mỗi dịp cuối năm, người lao động lại đặt nhiều kỳ vọng vào thưởng Tết . Tuy nhiên, nhìn vào khả năng chi trả của các doanh nghiệp sẽ thấy đây là lúc doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ từ phía người lao động về chuyện này.

Năm 2008 là năm các doanh nghiệp vô cùng khó khăn khi lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt, sản xuất có dấu hiệu bị đình trệ. Thị trường lao động nước ta chứng kiến một làn sóng sa thải nhân công.

Theo công bố từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã có khoảng 300.000-400.000 lao động mất việc làm trong năm 2008. Trong bối cảnh này, bắt đầu từ ngày 1/1/2009, Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp.

Điều này, đã có chuyên gia cho rằng khiến các doanh nghiệp phải gồng mình thêm. Tiếp theo, đến năm 2009, khi kinh tế đã khả quan hơn, vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu trong các doanh nghiệp kể từ ngày 1/1/2010 tới đây.

Cố gắng tăng lương

Ở thời điểm lấy ý kiến các doanh nghiệp về 2 dự thảo nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), người chắp bút cho hai dự thảo này, cho biết có rất nhiều doanh nghiệp phản ứng với việc tăng lương tối thiểu.

Thực tế nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn do kinh tế suy giảm. “Ở thời điểm này, đưa bất cứ yếu tố gì vào chi phí đầu vào cũng sẽ khiến cho doanh nghiệp khó khăn hơn”, ông Hào thừa nhận.

Tuy nhiên, đây là lộ trình đã được quyết định nên không thể không tăng. Các doanh nghiệp nhà nước đương nhiên hầu hết sẽ ủng hộ kế hoạch tăng lương do quỹ lương của doanh nghiệp được duyệt từ đầu vào, còn khó khăn nhất vẫn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù vậy, trong thực tế, dù thu nhập của người lao động không tăng cao như tốc độ tăng lương tối thiểu nhưng cũng có tăng. Kết quả điều tra tiền lương từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện tại 1.500 doanh nghiệp ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam trong năm nay cho thấy, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp khoảng 2.750.000 đồng/tháng, tăng 6,5% so với năm 2008.

Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 3.200.000 đồng/tháng, tăng 1,2%; doanh nghiệp FDI đạt 2.600.000 đồng/tháng, tăng 7,8%; doanh nghiệp dân doanh đạt 2.350.000 đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2008. Chỉ có khoảng 5% số doanh nghiệp được điều tra đang trả lương cho người lao động thấp hơn lương tối thiểu, hầu hết là các doanh nghiệp tại vùng sâu vùng xa.

Thưởng cũng sẽ tăng?

Trong thực tế, nếu so sánh tốc độ tăng lương tối thiểu cho người lao động ở các loại hình doanh nghiệp thì dễ nhận thấy việc tăng lương tối thiểu không quyết định được tỷ lệ tăng lương, tăng thu nhập của người lao động.

Ví dụ, tốc độ tăng lương tối thiểu chung tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân từ 540.000 đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng (tăng gần 20%), nhưng tốc độ tăng thu nhập của người lao động ở khu vực này lại thấp hơn rất nhiều (1,2% ở doanh nghiệp nhà nước và 5% ở doanh nghiệp tư nhân).

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn (9 - 11%) nhưng trong thực tế tốc độ tăng lương và thu nhập của người lao động khu vực này lại cao nhất với 7,8%. Qua đây rất dễ nhận thấy một thực tế, dù lương tối thiểu tăng với tốc độ cao như vậy nhưng tổng thu nhập của người lao động chỉ thay đổi không đáng kể.

Thực tế này khác hẳn với những năm trước, xuất phát từ khó khăn của doanh nghiệp. Như vậy, liệu người lao động có nên tiếp tục kỳ vọng về mức thưởng sẽ tăng trong năm nay? Hiện tại một số doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết cho người lao động, nhưng số này chỉ chiếm tỉ lệ rất ít.

Hầu hết các doanh nghiệp đều im hơi lặng tiếng. Ngay cả các doanh nghiệp bất động sản được dự báo là sẽ có mức thưởng cao trong năm nay nhưng cũng chậm công bố chuyện này. Thông thường như các năm trước, khối doanh nghiệp tài chính, chứng khoán, ngân hàng... vốn xem chuyện công bố thưởng Tết là một cách để thu hút nhân tài và tiến hành khá ồn ào, thì tới thời điểm này cũng vẫn đang im lặng.

Những năm trước, mức thưởng Tết vẫn thường được các doanh nghiệp áp dụng là thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động. Ông Hoàng Minh Hào cho biết tháng lương thứ 13 thực chất chỉ là cách gọi của doanh nghiệp. Khoản thưởng này phụ thuộc vào việc doanh nghiệp làm ăn có lãi hay không và sự chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp với người lao động như thế nào…

Hiện tại không có quy định bắt buộc về thưởng tháng lương thứ 13 mà đây chỉ là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Hiện tại, nhiều người dự báo mức thưởng Tết năm nay sẽ tăng, nhưng là tăng so với một năm 2008 đầy khó khăn. Và người lao động cũng không thể kỳ vọng vào một mức thưởng cao khi các doanh nghiệp chưa hết khó khăn và phải tiếp tục gồng mình cho một đợt tăng lương mới.

Xét cho cùng, khi doanh nghiệp khó khăn cần phải được người lao động chia sẻ, như vậy mới là công bằng./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+

(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục