Hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đảo chiều

Chứng khoán châu Á "rũ bỏ" sự lên điểm đầu phiên để đi xuống vào cuối phiên ngày 17/11 do giới đầu tư tranh thủ bán ra kiếm lời.
Chứng khoán châu Á "rũ bỏ" sự lên điểm đầu phiên để đi xuống vào cuối phiên 17/11, ngược với đà lên điểm phiên trước của toàn bộ thị trường chứng khoán thế giới, do giới đầu tư tranh thủ bán ra kiếm lời sau khi chứng khoán được giá mấy phiên gần đây.

Thị trường dường như ít phản ứng với cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý làm việc để dỡ bỏ bớt những hạn chế thương mại và kinh tế, nhưng vẫn chưa có đột phá nào để giải quyết bất đồng song phương liên quan đến đồng nhân dân tệ.

Tại Phố Wall phiên 16/11, các chỉ số chứng khoán đã tăng lên mức cao mới trong năm 2009, do báo cáo tốt về doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 10/09, trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones đạt mức cao nhất trong 13 tháng qua với 10.406,96 điểm và chỉ số công nghệ S&P có lúc đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 25/9/2008, với 2.205,32 điểm.

Tuy nhiên, đến chiều 17/11, hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt ở châu Á đều giảm điểm so với phiên trước vào đầu phiên này. Kết thúc phiên tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 61,25 điểm xuống 9.729,93 điểm, một phần là do giới đầu tư lo lắng về tác động của đồng yen mạnh lên xuất khẩu.

Trong khi đó, hoạt động bán ra kiếm lời cũng làm nhiều thị trường sa sút, trong đó chỉ số Hang Seng tại Hongkong giảm 29,83 điểm xuống 22.914,15 điểm và chỉ số Kospi tại Seoul (Hàn Quốc) giảm 6,49 điểm xuống 1.585,98 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc gần như là điểm sáng duy nhất của thị trường chứng khoán châu Á phiên 17/11 khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) đã tăng 7,84 điểm lên 3.282,89 điểm vào cuối phiên.

Tâm lý của các nhà đầu tư vào thị trường này trở nên thận trọng hơn sau khi có báo cáo cho biết Bắc Kinh có kế hoạch xem xét lại chính sách kinh tế sớm hơn dự kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục