Thừa Thiên-Huế phát triển loại hình du lịch biển

Nằm ở vùng duyên hải miền Trung, Thừa Thiên-Huế có 127km bờ biển với các bãi biển đẹp nên tỉnh đang nổ lực phát triển du lịch biển.
Nằm ở khu vực duyên hải miền Trung, Thừa Thiên-Huế có vị trí địa lý thuận lợi về biển với chiều dài 127km với các bãi biển đẹp và nổi tiếng như Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương, Tư Hiền...

Chính vì vậy, Thừa Thiên-Huế đang nổ lực hướng đến sự phát triển loại hình du lịch biển, du lịch đầm phá, tạo sự phát triển đồng bộ cho du lịch, vốn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Biển Thuận An là nơi hội tụ của hệ đầm, phá Tam Giang-Cầu Hai, đây còn là nơi hợp lưu nhiều con sông lớn như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Bãi biển ở đây thoáng rộng, có những đợt sóng mạnh mẽ rất thích hợp cho các trò chơi trượt nước, lướt ván... trên biển, đáp ứng nhu cầu cho những du khách thích cảm giác mạnh.

Vịnh biển Lăng Cô, một trong những vịnh đẹp thế giới, lại mang dáng vẻ mỹ miều của một vùng biển hiền hòa, nguyên sơ với một dãi cát trắng mịn vàng mật phủ, một mặt nước biển xanh trong tựa pha lê.

Lăng Cô còn "chiếm giữ" cho mình cánh rừng nhiệt đới rộng lớn, xa xa là những dãy núi nhấp nhô đầy vẻ hoang sơ và bí ẩn của dãy Trường Sơn chạy dài ra biển. Bãi biển này chỉ cách khu du lịch Bạch Mã 24km, từ đây có thể thăm thắng cảnh Chân Mây và làng chài Lăng Cô. Cách Huế khoảng 60km, bãi biển Cảnh Dương dài 8km, rộng 200m, hình vòng cung, nằm giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Đông.

Cảnh Duơng có độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, tương đối kín gió, rất thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình du lịch và thể thao. Cùng trên tuyến đường Quốc lộ 1 từ Huế vào Đà Nẵng, Huế còn được ưu ái có thêm một bãi tắm biển và nghỉ mát lý tưởng vào mùa hè như bãi biển Tư Hiền...

Bên cạnh đó là đảo Sơn Chà nằm phía Nam của tỉnh, có diện tích khoảng 150ha, nằm cách điểm mút nhô ra của đèo Hải Vân gần 1km, là nơi giao thoa giữa 2 vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới, nên ở đây có tầng suất đa dạng sinh học rất cao, đứng thứ 3 trên toàn quốc.

Hệ sinh vật biển ở khu vực này có 1.013 loài thuộc 410 giống, bao gồm 245 loài thực vật phù du, 74 loài động vật phù du, 103 loài rong biển, 4 loài cỏ biển, 12 loài thực vật ngập mặn, 144 loài san hô, 161 loài động vật đáy và 270 loài cá biển trong đó có 132 loài cá rạn san hô.

Các rạn san hô chủ yếu bao gồm các loài san hô tạo rạn Ahermatypic, san hô sừng Gorgonacea và san hô mềm Alcyonacea phân bố chủ yếu ở ven đảo Sơn Chà và ven bờ bắc mũi Hải Vân.

Cùng với hệ thống các bãi biển đẹp, Thừa Thiên-Huế còn có hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai với diện tích 22.000ha. Đây là vùng nước lợ tiêu biểu cho cả quốc gia và khu vực Đông Nam Á có giá trị cao về đa dạng sinh học với nhiều loại sinh vật đặc hữu, quý hiếm và là nơi thuận lợi cho việc tổ chức nhiều loại hình du lịch khác nhau.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển gắn với triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Cùng các giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng cho sự phát triển loại hình du lịch biển, đầm phá, chương trình phát triển du lịch biển, đầm phá của tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chú trọng đến việc xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng giải trí tổng hợp cao cấp tại các bãi biển, nhanh chóng hình thành các tour, tuyến du lịch Huế-Cảnh Dương-Cù Dù-Lăng Cô-Sơn Chà; tuyến du lịch đường biển Lăng Cô-Sơn Chà-Đà Nẵng-Hội An…

Tại Lăng Cô và khu vực biển Thuận An có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp được triển khai. Dự án khu du lịch Laguna Huế có tổng số vốn đầu tư 875 triệu USD đang được xây dựng tại Lăng Cô do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư. Khi hoàn tất, Laguna Huế sẽ có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1.000 căn nhà, khu trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế, sân gofl cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch, trên tổng diện tích khoảng 280ha.

Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tổ chức các lễ hội "Thuận An biển gọi," "Lăng Cô huyền thoại biển" để thu hút khách du lịch. Còn lại các bãi biển nổi tiếng khác như Cảnh Dương, Tư Hiền... đều hình thành một cách tự phát, các dịch vụ chủ yếu được cung cấp bởi cộng đồng dân cư địa phương, chất lượng không ổn định và thiếu tính chuyên nghiệp.

Ngoài ra, các tour du lịch trên phá Tam Giang, Rú Chá, sinh thái biển đảo Sơn Chà... vẫn chưa tạo được tính đột phá, vì thế tỷ trọng khách quốc tế và khách có mức chi trả cao đến với các tour du lịch biển, đầm phá rất thấp, chỉ chủ yếu dành cho khách địa phương và khách nội địa.

Tại bán đảo Sơn Chà đã từng có hợp tác với các nhà đầu tư để phát triển du lịch lặn biển, kết hợp với các trò chơi trượt nước, lướt ván... trên biển, đáp ứng nhu cầu cho những du khách thích cảm giác mạnh nhưng sau nhiều năm, việc triển khai vẫn còn ì ạch.../.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục