Thanh toán trọn gói: Người bệnh được hưởng lợi

Thanh toán theo phương thức trọn gói thì người bệnh không hề bị thiệt thòi, bởi đây là cách tăng cường giám sát chất lượng phục vụ.
Hiện nay, việc giám sát chất lượng khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hoạt động chưa hiệu quả, tình trạng bác sĩ phóng tay kê đơn, lạm dụng xét nghiệm luôn là chuyện“... khổ lắm, nói mãi” của ngành y.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng khi triển khai rộng phương thức thanh toán trọn gói, có thể người bệnh sẽ chịu nhiều thiệt thòi bởi các bệnh viện sẽ có đủ cách để không phải tự “móc túi” ra bù. Thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Người bệnh không lo bị thiệt

Việc thí điểm phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh tại bệnh viện Thanh Nhàn và bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) từ ngày 1/12/2009, chính là bước khởi đầu quan trọng.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, “thanh toán theo trường hợp bệnh là thanh toán theo chi phí khám chữa bệnh được xác định trước cho từng trường hợp theo chẩn đoán”. Nghĩa là khi áp dụng phương thức này, cơ quan bảo hiểm y tế sẽ thanh toán cho bệnh viện một lượng phí xác định cho mỗi ca bệnh.

Bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng khám chữa bệnh dựa trên một quy trình chuyên môn cụ thể. Nếu chi phí thực tế của các ca bệnh thấp hơn định mức thì bệnh viện sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, nếu chi phí thực tế cao hơn định mức thì bệnh viện sẽ phải bù lỗ cho quỹ bảo hiểm y tế.

Tiến sĩ Đặng Văn Chính, Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng khi thanh toán theo phương thức trọn gói theo trường hợp bệnh thì người bệnh không hề bị thiệt thòi. Ngược lại, chính phương thức này sẽ là một bộ công cụ rất hữu hiệu để tăng cường giám sát chất lượng phục vụ người bệnh, giúp minh bạch hơn trong việc thanh toán viện phí, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Công tác khám chữa bệnh theo phương thức thanh toán mới phải tuân thủ một quy trình chuyên môn chặt chẽ do chính các chuyên gia đầu ngành trong ngành y tế, bảo hiểm xây dựng.

“Tới đây, tại bệnh viện Thanh Nhàn sẽ công khai toàn bộ quy trình khám chữa bệnh của 4 nhóm bệnh đang thí điểm gồm viêm ruột thừa (mổ thường và mổ nội soi), đẻ thường, viêm phế quản - phổi người lớn, viêm phế quản - phổi trẻ em. Khi đó, người bệnh có thể tự kiểm tra và yêu cầu làm rõ các dịch vụ y tế sẽ được cung cấp (các loại xét nghiệm khi vào viện và trước khi ra viện, các loại thuốc, vật tư…). Việc kiểm soát chất lượng phục vụ người bệnh như vậy sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều”, ông Chính khẳng định.

Với vai trò là một bác sĩ trực tiếp điều trị, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Linh, Khoa Phụ sản, bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng, việc chi trả theo phương thức trọn gói sẽ “đánh” vào ý thức ỷ lại vào bảo hiểm y tế của nhân viên y tế như thực tế đang diễn ra ở một số bệnh viện, tránh được tình trạng lạm dụng xét nghiệm hoặc kê đơn thuốc phóng tay.

“Tham gia phương thức thanh toán này, các cơ sở y tế phải có trách nhiệm về hiệu quả khám chữa bệnh. Nếu vì tiết kiệm thuốc men hay các dịch vụ cần thiết tới mức ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, sẽ kéo dài ngày điều trị… Lúc này, cơ sở y tế sẽ là nơi phải 'gánh' những chi phí phát sinh. Vì vậy không ai dại gì 'tiết kiệm' để rồi lại phải lấy tiền túi ra bù”, Thạc sĩ Linh giải thích.

Có khá nhiều trường hợp bệnh nhân không có bảo hiểm y tế hoặc có những bệnh lý đi kèm cũng mong muốn được tham gia thanh toán theo phương thức mới. “Vì là thí điểm, nên chúng tôi mới xây dựng giá thành cho 4 loại bệnh nêu trên. Những trường hợp cũng mắc 1 trong 4 nhóm bệnh nhưng có bệnh lý khác đi kèm thì chưa thuộc diện tham gia vào lần thí điểm phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh này”, một cán bộ Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế giải thích.

“Không chỉ bệnh nhân bớt phiền hà, mà chúng tôi cũng giảm khá nhiều công đoạn. Tất nhiên trong 1 năm thí điểm, chúng tôi sẽ phải mất nhiều thời gian hơn cho việc cùng một lúc phải kê 2 hồ sơ bệnh án/bệnh nhân”, bác sĩ Lê Thị Tuyết Nga, Khoa Nhi, bệnh viện Thanh Nhàn cho biết.

Bảo hiểm y tế sẽ làm “trọng tài”

Về phía cơ quan bảo hiểm, ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Giám định bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm đề án đổi mới phương thức chi trả dịch vụ khám chữa bệnh (gồm đại diện bảo hiểm và y tế) sẽ thường xuyên giám sát chất lượng khám chữa bệnh của bệnh nhân.

Nếu cơ sở khám chữa bệnh nào giảm cơ cấu sử dụng thuốc hay các dịch vụ y tế sẽ bị “tuýt còi” ngay. Đặc biệt, khi triển khai phương thức thanh toán trọn gói theo trường hợp bệnh, nhân viên bảo hiểm không mất nhiều thời gian cho việc kiểm tra từng chi phí khám chữa bệnh như hiện nay.

Họ sẽ có nhiều thời gian dành cho việc giám sát chất lượng khám chữa bệnh hơn. Trường hợp xảy ra tai biến do lỗi của cán bộ y tế, bệnh viện sẽ phải chịu mọi chi phí phát sinh…

Theo ông Thảo, việc áp dụng phương thức thanh toán trọn gói cũng sẽ là một động lực khiến lãnh đạo các cơ sở y tế phải tăng cường giám sát chất lượng khám chữa bệnh. Nhờ vậy, sẽ giảm thiểu các trường hợp nhập viện không hợp lý, giảm số ngày điều trị nội trú quá mức cần thiết, việc chỉ định xét nghiệm, thủ thuật sẽ hợp lý hơn.

Khi các chuyên gia trong Hội đồng chuyên môn bệnh viện tăng cường thẩm định đơn thuốc, hồ sơ bệnh án, thì những chỉ định kém hiệu quả của các bác sĩ sẽ bị “nêu danh” nhiều hơn.

“Hiện nay, một số bệnh viện cũng đã chú trọng đến khâu giám sát chất lượng khám chữa bệnh. Ví như tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai, hàng tuần đều tiến hành giám định các đơn thuốc, mời cán bộ bảo hiểm tham gia. Sau khi thẩm định, nếu toa thuốc nào không phù hợp, Hội đồng chuyên môn sẽ phê phán ngay vị bác sĩ kê toa đó. Như vậy, khi áp dụng phương thức thanh toán mới, bệnh nhân sẽ là người được hưởng lợi chứ không hề bị thiệt thòi”, ông Thảo khẳng định./.

Tháng 1/2010, thí điểm thanh toán phẫu thuật tim hở trọn gói

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong tuần này, cơ quan bảo hiểm, cùng đại diện một số bệnh viện (bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Tim TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Chợ Rẫy…) để thống nhất lại một số vấn đề trước khi thí điểm phương thức thanh toán phẫu thuật tim hở trọn gói.

Dự kiến trong tháng 1/2010, phương thức thanh toán phẫu thuật tim hở trọn gói sẽ được thí điểm tại một số bệnh viện. Hiện nay, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nghiên cứu được mức phí cho khoảng 50 nhóm bệnh, nhưng để đưa những nghiên cứu này vào thực tế cần rất nhiều thời gian.
(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục