Tái cơ cấu kinh tế: Không thể triển khai chậm trễ hơn

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đáp ứng những đòi hỏi cấp bách và lâu dài, việc triển khai thực hiện dự án không thể chậm trễ hơn nữa.
Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tập trung vào những nỗ lực cơ bản để có bước đột phá phát triển trong giai đoạn kinh tế 2013-2020.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định, về cơ bản Đề án đã đáp ứng những đòi hỏi cấp bách và lâu dài mà thực tiễn đặt ra, giờ quan trọng là việc triển khai thực hiện Đề án trong thực tế.

"Không thể chậm trễ hơn"

Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Không thể chậm trễ thêm nữa! Nếu không quyết liệt thực hiện việc tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì chúng ta cũng không thể kiềm chế được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô cả trước mắt và trong trung, dài hạn.

Bản Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, so với dự thảo đã trình ra Quốc hội trước đây có ưu điểm nổi bật là đầy đủ và toàn diện hơn, xác định đúng quan điểm, mục tiêu, định hướng, cũng đã cố gắng giải quyết những vấn đề rất khó mà Quốc hội yêu cầu như lộ trình cũng như các giải pháp cụ thể, dựa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.

Việc ban hành bản Đề án này cũng thể hiện quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, không chỉ đưa ra những định hướng và giải pháp tổng thể mà còn có những nội dung được đề cập sâu thêm về, từng ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, bao quát toàn bộ nền kinh tế.

[Tái cơ cấu kinh tế: Đổi mới để nâng sức cạnh tranh]

Đặc biệt, bản Đề án đã nêu ra trách nhiệm cụ thể của các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp chủ yếu trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản đề án tổng thể, rồi sau đây, đề án tái cơ cấu của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, của các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn nhà nước, và cả các doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ phải được xây dựng cụ thể, đề cập đến những vấn đề phù hợp với chức năng và phạm vi hoạt động của mình.

Bản Đề án đặt ra việc tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2013-2020, trong đó mới chỉ có lộ trình thực hiện đến năm 2015 cho một số công việc nhưng lại chưa có một lộ trình tổng thể đến năm 2015 là một mốc rất quan trọng.

Còn ba năm nữa là kết thúc kế hoạch 5 năm, đây là ba năm quan trọng phải tạo ra bước chuyển biến cơ bản tạo nền tảng, quyết định cho việc chúng ta có thực hiện được hay không công cuộc tái cơ cấu kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ngay trong năm 2013 này và những năm tiếp theo, chúng ta phải tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 và 6 khóa XI.

Dành nguồn lực cho tái cơ cấu cũng là một vấn đề cần xem xét, có thể sẽ phải bớt nguồn lực cho tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, để phục hồi và đổi mới các cơ sở sản xuất kinh doanh và hệ thống tín dụng, để ổn định vĩ mô và tạo tiền đề cho tăng trưởng dài hạn. Chúng ta phải chấp nhận một sự trả giá nhất định. Nếu tiếp tục để chậm trễ thì chi phí cho công cuộc tái cơ cấu về sau sẽ còn lớn hơn nhiều.

Bản Đề án cũng đặt ra vấn đề cải cách hành chính, tôi cho rằng không chỉ là cải cách về thủ tục mà còn phải thực hiện tái cơ cấu cả về bộ máy hành chính - bởi đây mới là một khâu quyết định. Để có thể thực hiện tái cơ cấu một cách cơ bản và toàn diện, phải phát huy sức sáng tạo, thực sự đổi mới cả về con người, quy trình, phương thức làm việc cũng như xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy đủ mạnh để đảm đương được nhiệm vụ.

Một vấn đề cũng cần đặt ra nữa là để nâng cao hiệu lực của việc thực hiện, nên chăng cần trình lại Đề án với Quốc hội để có thể có một Nghị quyết của Quốc hội, theo đó Quốc hội tăng cường việc giám sát thực hiện, đồng thời phối hợp với các cơ quan của Đảng giám sát việc thực hiện đề án bảo đảm đạt kết quả và hiệu quả cao nhất.

"Cần thực hiện trước tiên kế hoạch trung hạn"

Đó là ý kiến của tiến sỹ Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Bản Đề án đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các cơ quan nghiên cứu, đơn vị liên quan, các chuyên gia và các đại biểu quốc hội, thể hiện một quá trình làm việc công phu. Việc phê duyệt Đề án thể hiện quyết tâm tái cơ cấu kinh tế rất lớn của Chính phủ.

Đề án sẽ có ý nghĩa định hướng cho hoạt động sắp tới, tuy nhiên quá trình thực hiện Đề án cần phải có điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế cho từng giai đoạn chứ không nên cứng nhắc.

Có một vài quan điểm, ý kiến trái chiều về Đề án, song phần đông ý kiến đều nhìn nhận đến tính cấp thiết của việc ban hành và thực hiện Đề án. Việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và thiết lập một mô hình phát triển mới là yêu cầu cấp bách, khách quan và sự đòi hỏi sống còn của nền kinh tế, xuất phát từ đòi hỏi nội tại của nền kinh tế trong nước.

Nền kinh tế trong nước đã vận hành mô hình kinh tế từ khi đổi mới đến nay, vì vậy đã có sự lạc hậu, làm cho nền kinh tế trì trệ. Do đó, nếu không đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc các ngành kinh tế thì kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng quanh ngưỡng 5 đến 6%/năm, lạm phát sẽ theo chu kỳ một năm thấp hai năm cao, chu kỳ ngày càng ngắn hơn.

Quan trọng nhất là nếu không tái cơ cấu kinh tế sẽ không có bước đột phá cho phát triển kinh tế, tụt hậu so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Việc tổ chức thực hiện cũng là yêu cầu cấp bách và sống còn của Đề án này, bởi nếu quá trình thực hiện tốt, biết điều chỉnh thì Đề án sẽ phát huy hiệu quả rất tốt. Trước tiên, phải có quan điểm thống nhất là phải đổi mới nền kinh tế, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân phải đồng tâm hiệp lực, phải có tư duy đổi mới, chủ động hiến kế để thực hiện Đề án cho tốt. Để thực hiện, Đề án cũng cần phải có kế hoạch trung hạn từ 3-5 năm.

Trong kế hoạch trung hạn 3 năm đó, chúng ta phải xử lý bằng được mô hình tăng trưởng, cơ cấu của các ngành kinh tế bao gồm cả ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu đồng thời thiết lập một kỷ cương cho nền kinh tế với nền tảng là cơ chế thị trường. Lịch sử phát triển kinh tế việt Nam đã từng có những kế hoạch hai năm khôi phục nền kinh tế sau khủng hoảng như vậy.

“Đáp ứng nhiều đòi hỏi cấp bách và lâu dài”

Theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân dân, về cơ bản, cần khẳng định đây là một Đề án được soạn thảo công phu, có cơ sở khoa học và tính thực tiễn cao, đáp ứng được nhiều đòi hỏi cấp bách và lâu dài của phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới.

Để thực hiện thành công Đề án, cần đặc biệt chú ý hai nhóm vấn đề, đó là nâng cao chất lượng quản lý nhà nước các cấp, tập trung trọng tâm đầu tư công; khuyến khích sự năng động thích ứng của doanh nghiệp.

Việc đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc có thể đối diện với áp lực về lao động theo cả hai hướng: Thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao theo yêu cầu cơ cấu kỹ thuật mới mà không thể tạo ra trong ngày một ngày hai; dư thừa đội ngũ lao động không còn phù hợp từ các cơ sở triển khai tái cấu trúc và kéo theo những gánh nặng về thất nghiệp và an sinh xã hội.

Dưới góc độ đầu tư, nếu thiếu kiểm soát thì tái cấu trúc kinh tế cả cấp vĩ mô hay vi mô, quy mô lớn hay nhỏ đều có thể làm tăng rủi ro khi doanh nghiệp từ bỏ sản phẩm, thị trường và sở trường kinh doanh cũ để tham gia kinh doanh trên thị trường mới, với những áp lực mới không dễ vượt qua về sức cạnh tranh, kinh nghiệm, đối tác và kỹ năng phản ứng thị trường; từ đó có thể kéo theo các rủi ro về nợ nần mới hoặc thiếu hụt nguồn vốn và áp lực vay mới.

Nếu thiếu thận trọng, quá trình tái cấu trúc kinh tế còn có thể tạo cớ gây lãng phí các dự án đầu tư dở dang theo mô hình đầu tư cũ, gia tăng sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng mới những dự án đầu tư mới nhân danh tái cấu trúc, nhất là khu vực đầu tư công./.

Quang Toàn (TTXVN

Tin cùng chuyên mục