Cần định hướng rõ khi xây thương hiệu quốc gia

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu tại thị trường nội địa.
Nhân ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, xung quanh vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia.

- Ông đánh giá thế nào về việc phát triển thương hiệu quốc gia trong thời gian qua?

Cục trưởng Đỗ Thắng Hải: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, cùng các cơ quan xúc tiến nước ngoài trong và ngoài nước, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, các đoàn giao thương và các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Năm nay, ngoài các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia định hướng xuất khẩu, chúng tôi còn chú trọng phát triển các chương trình xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, cũng như phát triển thị trường biên giới hải đảo. Cùng với đó, chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước.

- Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu khai thác ở thị trường truyền thống. Vậy theo ông, để có thể khai thác thị trường mới, doanh nghiệp phải có cách tiếp cận như thế nào?

Cục trưởng Đỗ Thắng Hải: Trước hết chúng ta cần khẳng định những thị trường mà hiện nay các doanh nghiệp đang xuất khẩu chính, đóng một vai trò hết sức quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam . Bên cạnh đó, thị trường có nhiều tiềm năng, nhất là thị trường mới cũng hết sức quan trọng đối với Việt Nam.

Qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại khác, Việt Nam đã chú trọng khuyến khích xuất khẩu vào những thị trường mới mở, tiềm năng; đồng thời dành kinh phí nhất định ưu tiên cho các hiệp hội, các đơn vị chủ trì các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thực hiện các hoạt động xúc tiến của mình vào thị trường mới. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp cần mạnh dạn hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại và tìm hiểu đối với thị trường, cũng như đầu tư một cách thích đáng về kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường này.

- Bên cạnh những hoạt động xúc tiến thương mại, ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng trong việc doanh nghiệp xây dựng thương hiệu vào thời điểm hiện nay?

Cục trưởng Đỗ Thắng Hải:
Xây dựng thương hiệu rõ ràng là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như là trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước nói riêng.

Chương trình thương hiệu quốc gia là chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có thể xây dựng năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu của mình trong thị trường nội địa, cũng như thị trường quốc tế.

Chương trình thương hiệu quốc gia cũng là chương trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những kỹ năng để quảng bá thương hiệu của mình ngay tại thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế. Vì vậy, chúng tôi mong rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình ngay tại thị trường Việt Nam.

- Một số doanh nghiệp đã đạt được thương hiệu quốc gia chia sẻ rằng chưa nhận được sự hỗ trợ gì từ chương trình. Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình này?

Cục trưởng Đỗ Thắng Hải: Việc mong muốn để một chương trình có mức hỗ trợ được doanh nghiệp thì chúng tôi rất chia sẻ những mong muốn đó với doanh nghiệp. Nhưng chúng ta cũng phải có sự chia sẻ chung trong khó khăn hiện nay, đó là nguồn kinh phí Nhà nước hết sức hạn hẹp. Không những thế, Việt Nam mới chỉ bước đầu xây dựng và quảng bá thương hiệu. Ngay cả doanh nghiệp Việt Nam, không phải đơn vị nào cũng xác định đúng vai trò quan trọng của thương hiệu. Khi xác định được cũng chưa phải là đầu tư một cách thích đáng cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình, cũng như tạo dựng được hình ảnh quốc gia.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia vẫn chưa chặt chẽ và quá khó để đạt được. Hiện nay, chúng ta có hơn 500.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, nhưng qua 3 lần lựa chọn, lần 1 được 30 doanh nghiệp, lần hai được 43 doanh nghiệp và lần thứ 3 được 54 doanh nghiệp. Chúng tôi khẳng định rằng con số khiêm tốn trên đại diện cho hơn 500.000 doanh nghiệp cả nước đạt thương hiệu quốc gia là những đơn vị xứng đáng và rất nỗ lực để đứng trong hàng ngũ này.

- Năm 2013, Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gì để các doanh nghiệp thành công hơn trong việc phát triển thương hiệu ra nước ngoài?

Cục trưởng Đỗ Thắng Hải: Chương trình này đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 với nhiều hoạt động cụ thể kèm theo điều kiện, kể cả kinh phí để doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Chúng ta có thể kể đến như hoạt động xúc tiến thương mại; trong đó có chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đào tạo kỹ năng xây dựng quảng bá và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp. Điều quan trọng là chúng ta giúp cho các doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của mình trên tất cả các địa bàn mà các doanh nghiệp đó đang kinh doanh. Mặt khác, xúc tiến thương mại quốc gia không phải chỉ định hướng xuất khẩu mà còn tạo điều kiện phát triển thị trường nội địa cũng như thị trường biên giới, miền núi, hải đảo./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục