Trung Á cần tăng hợp tác để chia sẻ nguồn nước

Liên hợp quốc kêu gọi các nước Trung Á tăng cường hợp tác để chia sẻ nguồn nước trong khi nguồn nước ở khu vực đang bị cạn kiệt.
Ngày 11/7, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước Trung Á tăng cường hợp tác để chia sẻ nguồn nước vì nguồn nước ngày càng có tầm quan trọng sống còn đối với hòa bình và an ninh của khu vực này.

Nghiên cứu của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh nguồn nước trong khu vực đã bị cạn kiệt sau nhiều thập kỷ phát triển không bền vững với các nỗ lực nắn dòng các con sông làm khô cạn hàng trăm km2 biển Aral.

Hiện nay, các dự án thủy điện ở thượng nguồn, nhu cầu thủy lợi cho nông nghiệp ở hạ lưu sông Amu Darya, con sông dài nhất Trung Á, cũng như các mô hình thời tiết đang thay đổi do biến đổi khí hậu đã trở thành các thách thức nghiêm trọng về nguồn nước đối với 4 nước Trung Á như Afghanistan, Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan.

Khai thác than, kim loại, dầu mỏ và hóa chất gây ô nhiễm các dòng sông cũng như bụi và muối từ các khu vực biển Aral bị khô cạn đã đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân trong khu vực.

Nghiên cứu của UNEP cảnh báo biến đổi khí hậu, nguồn nước, năng lượng và nông nghiệp đã trở thành mối đe dọa an ninh tiềm tàng, gây bất ổn định, thậm chí đối đầu ở Trung Á, khi nguồn nước từ thượng nguồn các dòng sông đổ về hạ lưu giảm đi trong khi chất lượng nước lại tồi tệ hơn.

Từ năm 1960 đến 1990, hàm lượng muối trong nước sông Amu Darya đã tăng gấp 2 lần và cho tới nay vẫn chưa được cải thiện. Kể từ đầu năm 1994, đồng bằng lưu vực sông này ngày càng "nóng" cả về môi trường và an ninh. Nhiệt độ khu vực này được dự báo tăng 2-3 độ C trong 50 năm tới. Nhiều sông băng lớn ở các khu vực vùng núi của Trung Á đã thu hẹp hàng trăm mét và nhiều sông băng nhỏ đã biến mất kể từ cuối thế kỷ 20.

Với dân số Trung Á tăng nhanh, nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao tạo ra tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ở khu vực này.

UNEP cho rằng đối thoại về khuôn khổ chung quản lý nước và năng lượng giúp tăng cường lòng tin, sự hiểu biết hơn giữa các nước và dẫn đến các hiệp định chung về chia sẻ nguồn nước. Hiện đại hóa các hệ thống năng lượng và mạng lưới điện khu vực sẽ tăng cường tiếp cận dài hạn hơn các nguồn năng lượng.

Các nước Trung Á cần tăng cường trao đổi thông tin về các dự án xuyên biên giới, duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng nguồn nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục