Tái cấu trúc: Cần đặt DNNN ở môi trường bình đẳng

Theo Bộ Tài chính, đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước cần tạo “tạo áp lực” cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa đưa ra mục tiêu, giải pháp cho những câu hỏi nóng về đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua.

Theo đó, hướng xây dựng đề án là làm sao tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp nhằm “tạo áp lực” làm cho các doanh nghiệp Nhà nước nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.

Thừa nhận việc doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều yếu kém và bất cập, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã không ngần ngại chỉ ra những hạn chế của các doanh nghiệp như hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế.

“Doanh nghiệp Nhà nước phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu năm 2009, trong khi đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp FDI là 1,3 đồng,” ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trong điều kiện như thế, Bộ trưởng Vương Đình Huệ chỉ rõ, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước phải đảm bảo làm sao khu vực doanh nghiệp này nâng cao được năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Quan trọng nữa, theo Bộ trưởng,  doanh nghiệp Nhà nước phải được đặt trong môi trường bình đẳng với các doanh nghiệp khác, nhất quán và kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Ở tầm nhìn xa hơn, Bộ trưởng cũng cho rằng, đề án lần này cũng đặt trọng tâm xây dựng các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, hầu hết đa sở hữu. Đến năm 2020, một số tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn sẽ hình thành và nằm trong số những tập đoàn của khu vực.

“10 -15 tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty hàng đầu sẽ có vai trò đầu tàu, dẵn dắt, điều tiết kinh tế trong phạm vi quốc gia,” Bộ trưởng Huệ nêu rõ.

Cụ thể hơn về nhóm giải pháp sẽ triển khai, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, sẽ cần 5 nhóm giải pháp chủ yếu để giúp các doanh nghiệp Nhà nước tạo được sức bật.

Trước hết, giải pháp đầu tiên sẽ nhắm vào việc sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo ngành nghề, lĩnh vực. Thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước hiện có thành các nhóm doanh nghiệp và có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm.

Cụ thể, có thể chia ra thành các nhóm như Nhóm 100% vốn nhà nước, nhóm có trên 75 % vốn thuộc sở hữu Nhà nước, nhóm có từ 65-75 % vốn thuộc sở hữu Nhà nước và nhóm nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, chúng ta cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước và những giải pháp đồng bộ phát triển thị trường tài chính đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường mua bán nợ.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng những tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn trong tương lai, Bộ trưởng Huệ cũng đặt ra nhóm giải pháp thứ ba về việc tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

“Cần chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính,” Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp, đề án tái cấu trúc cũng sẽ tập trung đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Để làm được điều này, một trong những điều quan trọng theo Bộ trưởng là cần ban hành quy chế giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và minh bạch, công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước cần phải được tăng cường hơn nữa.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc sắp xếp, tái cấu trúc căn bản các công ty nông, lâm nghiệp. Cụ thể, một số vấn đề sẽ được tập trung là việc đổi mới cơ chế quản lý về đất đai, khoán, tài chính và xây dựng mô hình liên kết trong nông nghiệp.

Về lộ trình thực hiện, Bộ trưởng Huệ cho rằng, đến 2015, công tác tái cấu trúc sẽ cơ bản hoàn thành các kế hoạch lớn như cổ phần hóa, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, giám sát, quản trị doanh nghiệp; đào tạo được đội ngũ con người phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Tiếp đến, giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tiếp tục hoàn thiện các thể chế, sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước thuộc các Bộ, ngành, địa phương./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục