Giao tranh ở biên giới Sudan, 24 người thiệt mạng

Người phát ngôn quân đội Nam Sudan cho biết các binh sỹ đã tiêu diệt 7 tay súng được cho thuộc một nhóm phiến quân Sudan hậu thuẫn.
Ít nhất 24 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở khu vực biên giới giữa Sudan và Nam Sudan.

Người phát ngôn quân đội Nam Sudan Philip Aguer cho biết các binh sỹ nước này đã tiêu diệt 7 tay súng được cho là thành viên của một nhóm phiến quân được Sudan hậu thuẫn.

Vụ việc xảy ra hôm 8/2 khi các tay súng tìm cách thâm nhập vào Nam Sudan qua đường biên giới tranh cãi giữa hai nước.

Cũng theo ông Aguer, các binh sỹ Nam Sudan còn bắt giữ một xe tải của nhóm tay súng này trong cuộc đụng độ nhỏ xảy ra ở vùng Obed thuộc bang Thượng Nile ở phía Đông Bắc.

Trước đó, Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan - Bắc (SPLM-North) cáo buộc các tay súng từ Nam Sudan đã tấn công một ngôi làng ở vùng Abujibeha thuộc bang dầu mỏ Nam Kordofan. Trong cuộc tấn công này, các tay súng đã sát hại 17 người và làm 35 người bị thương.

Những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Phi (AU) dự kiến tiến hành vòng đàm phán tiếp theo giữa Sudan và Nam Sudan nhằm thiết lập vùng đệm tại biên giới chung, coi đây là điều kiện tiên quyết để Sudan nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Trước đó, AU đã hai lần làm trung gian tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir và người đồng cấp Nam Sudan Salva Kiir ở Ethiopia nhưng không đạt kết quả.

Quan hệ giữa hai nước Sudan đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập năm 2011, sau khi quốc gia non trẻ này buộc phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất dầu mỏ cách đây một năm do bất đồng với Sudan về chi phí vận chuyển đường ống.

Quyết định này khiến Nam Sudan mất đi bình quân 350.000 thùng dầu xuất khẩu/ngày và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của cả hai nước vốn phụ thuộc mạnh mẽ vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Tháng 4/2012, căng thẳng gia tăng tới mức hai nước gần như đã cận kề chiến tranh, buộc hai chính phủ phải tìm cách "tháo ngòi nổ" bằng thỏa thuận rút các binh sỹ khỏi biên giới chung và nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Tuy nhiên, cả hai bên sau đó đều không thực hiện thỏa thuận này và liên tục cáo buộc nhau hậu thuẫn lực lượng phiến quân của nước kia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục