EU nhất trí sẽ tăng cường giám sát các quỹ đầu cơ

Sau nhiều tháng tranh cãi, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí siết chặt việc giám sát các quỹ đầu cơ.
Sau nhiều tháng tranh cãi, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí siết chặt việc giám sát các quỹ đầu cơ.

Theo thỏa thuận, các quỹ đầu cơ và các quỹ đầu tư tư nhân khác trong EU lần đầu tiên sẽ phải tuân thủ các quy định chung của tổ chức này (trước đây, các quỹ này chỉ theo quy định của mỗi nước thành viên).

Thỏa thuận đặt ra những yêu cầu về quản lý nguy cơ rủi ro, công khai hóa danh tính cá nhân hoặc tổ chức điều hành các quỹ đầu cơ, lượng vốn tối thiểu và mức độ vốn đệm.

Đặc biệt, thỏa thuận sẽ cho ra đời một loại "hộ chiếu" châu Âu, theo đó, một quỹ đầu cơ được cấp phép hoạt động ở một nước thành viên EU sẽ được quyền tiếp cận các nhà đầu tư ở tất cả các nước thành viên EU còn lại.

Thời hạn áp dụng loại hộ chiếu này dự kiến vào năm 2013 đối với các quỹ đầu cơ đóng trụ sở trong EU và vào năm 2015 đối với các quỹ đóng trụ sở ngoài EU.

Ủy viên châu Âu phụ trách các Dịch vụ Tài chính Michel Barnier cho biết các quy định nghiêm ngặt và rõ ràng tăng cường sự minh bạch trên thị trường đầu cơ nhằm đảm bảo sự công bằng giữa thị trường này với các thị trường khác.

Thỏa thuận trên, nằm trong nỗ lực của EU nhằm tăng cường sự ổn định của các hệ thống tài chính khu vực thời hậu khủng hoảng, chỉ đạt được sau nhiều thỏa hiệp, đặc biệt sự nhượng bộ giữa Anh và Pháp.

Trước đó, Pháp lo ngại với sự ra đời của "hộ chiếu" châu Âu, Anh sẽ "độc quyền" trong việc cấp phép hoạt động cho các quỹ đầu cơ do 80% quỹ này đóng trụ sở tại thủ đô London, Anh.

Mối lo ngại này khiến các nước EU tháng 5 vừa qua đã bàn tính việc đóng cửa thị trường đầu cơ đối với các quỹ từ nước thứ ba. Pháp chỉ nhượng bộ về vấn đề "hộ chiếu" châu Âu sau khi các nước EU đồng ý dành thêm nhiều quyền hạn cho Cơ quan Thị trường và Chứng khoán châu Âu mới được thành lập, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động ở thủ đô Paris (Pháp) từ tháng 1/2011.

Các đại diện khu vực quỹ đầu cơ phản ứng thận trọng với quyết định mới của EU do lo ngại thỏa thuận này còn một số điều khoản khó thực hiện và tạo gánh nặng cho thị trường đầu cơ.

Thỏa thuận còn phải được các nước thành viên EU ký tham gia và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua mới có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục