Tồn 8 triệu tấn than

Vinacomin: Lượng than tồn kho lên gần 8 triệu tấn

Tính đến cuối tháng Tám, lượng than của Vinacomin bao gồm cả than nguyên khai và than thành phẩm tồn kho lên tới 7,9 triệu tấn.
Theo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đến thời điểm này, sản xuất của các doanh nghiệp ngành than vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm mạnh.

Tính đến cuối tháng Tám, lượng than của tập đoàn bao gồm cả than nguyên khai và than thành phẩm tồn kho lên tới 7,9 triệu tấn. Lãnh đạo Vinacomin cho biết, nếu không có giải pháp quyết liệt thì đến cuối năm 2013, lượng than tồn kho có thể lên đến gần 10 triệu tấn.

Về nguyên nhân, theo lãnh đạo tập đoàn là do Chính phủ tăng thuế xuất khẩu than từ 10% lên 13% từ đầu tháng 7/2013 đã tác động trực tiếp đến sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, trong tháng Bảy, lượng than xuất khẩu đạt 235.000 tấn, còn tháng Tám đạt 280.000 tấn (bình quân 6 tháng đầu năm đạt từ 1,3-1,4 triệu tấn).

Tại buổi giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/9, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cũng chỉ ra nguyên nhân khiến hoạt động tiêu thụ than chưa được cải thiện là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài nên các hộ tiêu thụ trong nước như: Điện, ximăng, phân bón, hóa chất, vật liệu xây dựng... đã giảm mua than.

Ước tính của Bộ Công Thương thì riêng tháng Tám, lượng than bán cho điện, xi măng, thép... giảm tới 25,5% so với tháng Bảy và giảm 25,3% so với tháng 8 năm 2012. Tính chung tám tháng, tiêu thụ than giảm 40,2% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, lượng than đá xuất khẩu tám tháng ước đạt gần 8,1 triệu tấn giảm 10,9% so với cùng kỳ. "Xuất khẩu than giảm một phần là do khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng từ thị trường Trung Quốc," ông Thắng nhấn mạnh.

Theo Kế hoạch năm 2013, lượng sản xuất và tiêu thụ than ước đạt hơn 43 triệu tấn; trong đó ưu tiên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 28-29 triệu tấn, còn lại xuất khẩu.

Để hoàn thành kế hoạch được giao, lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản đã yêu cầu các đơn vị  thắt chặt chi phí và điều hành sản lượng than sản xuất, tiêu thụ một cách hợp lý. Trong công tác tiêu thụ, tập đoàn sẽ bám sát yêu cầu của thị trường, giữ mối quan hệ tốt với khách hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giao than và tiến độ giao hàng để ổn định sản xuất, việc làm và tồn kho hợp lý.

Cũng nhằm tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, ngày 1/9 Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh lại thuế xuất khẩu than từ mức 13% xuống 10% và mức thuế suất mới này cũng chính thức được Bộ Tài Chính ban hành tại thông tư 124/2013/TT-BTC.

"Đây là giải pháp tích cực giúp ngành than đẩy mạnh tiêu thụ và giải phóng hàng tồn kho trong thời gian tới," Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục